Sau 2 ngày tranh tài, dự án Kết nối con người với tự nhiên - Mr Mướp (Đồng Tháp) đã giành giải Nhất với số tiền thưởng 150 triệu đồng.
Đồng giải Nhì thuộc về dự án Phát triển lạp xưởng cá lóc (Đồng Tháp) và dự án Sản xuất muối Tây Ninh - kết hợp đặc sản vùng miền (Tây Ninh) với số tiền thưởng 80 triệu đồng.
Giải Ba trị giá 50 triệu đồng thuộc về dự án Công ty Cổ phần thực phẩm Xanh Thành Đồng (Đắk Lắk), dự án Sản xuất Atiso bền vững (Lâm Đồng), dự án K Products-Cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản (Vũng Tàu).
Các dự án nhận giải Khuyến khích với số tiền thưởng 30 triệu đồng gồm: Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nặm với sản phẩm rượu gạo men lá (Bắc Kạn), Chế biến heo dẻo mác mật (Lạng Sơn), Vicosap - Hành trình thay áo mới cho dừa sáp Trà Vinh (Trà Vinh).
Đại diện Ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi, bà Phạm Chi Lan đánh giá cao các dự án khai thác tài nguyên bản địa, chú trọng đến nhân tố xanh, phát triển sinh thái.
So với năm trước, các dự án năm nay đã chú trọng đến vấn đề về thị trường, có sự quan tâm và biết ứng dụng công nghệ phù hợp với bản chất sản phẩm và điều kiện tài chính.
Các dự án đạt giải “nâng cúp” ăn mừng chiến thắng. |
Bên cạnh đó, các chủ dự án cũng đã tập trung vào nhân tố con người, quan tâm người tiêu dùng lẫn nhân sự vận hành dự án.
Để phát triển đúng định hướng và lan tỏa sản phẩm đến nhiều người hơn, Ban tổ chức cho rằng các chủ dự án cần hiểu rõ, hiểu đúng về khái niệm xanh, định nghĩa sinh thái.
Đồng thời, để xây dựng thương hiệu vững mạnh, các dự án cần nghiên cứu kỹ thị trường, tập trung nguồn lực, nguồn vốn phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất trước khi đầu tư ra mắt nhiều sản phẩm mới.
Ngoài 9 giải thưởng chính, Ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng phụ như: giải tư vấn về sở hữu trí tuệ, phiếu mua sắm vật tư nông nghiệp, giải đổi mới sáng tạo, giải nông nghiệp xanh phát triển bền vững…
Các giải thưởng phụ là động lực để các nhà khởi nghiệp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và phát triển thương hiệu trong tương lai.