Hướng đến du lịch xanh, bền vững

Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có hơn 120 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, đây là tiềm năng, thế mạnh để Long An khai thác, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng bất tận ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, một trong các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Cánh đồng bất tận ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, một trong các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Thành Thanh cho biết, nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, như: Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa; Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo; nhà Trăm Cột; chùa Phước Lâm; Khu công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Khu di tích Võ Văn Tần… Long An đã và đang hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn kết với các làng nghề truyền thống, các khu, điểm di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí.

Năm 2023, Long An đón khoảng 976.000 lượt khách, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ và tăng 30% so với kế hoạch; trong đó, có khoảng 16.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 560 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, tăng 38% so với kế hoạch. Tuy vậy, hoạt động du lịch của Long An vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh các giá trị di sản văn hóa, du lịch.

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến chưa cao. Hệ thống lưu trú chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông tiếp cận các điểm du lịch chưa tốt. Việc triển khai một số dự án phát triển du lịch còn chậm, chưa thu hút được khách lưu trú dài ngày...

Xác định du lịch có vị trí, vai trò quan trọng và thực tế nhiều năm qua, du lịch Long An từng bước khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Long An đặt ra mục tiêu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nhiều việc làm mới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh với sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Lấy dịch vụ vui chơi giải trí làm bàn đạp cho sự phát triển của các ngành du lịch và các lĩnh vực khác; là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được yêu cầu ngành du lịch tỉnh tập trung đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nhất là trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch, hình ảnh và sản phẩm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu và sức hấp dẫn, thu hút đầu tư du lịch.

Các cấp, các ngành của tỉnh cần nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối, kích thích xã hội hóa đầu tư du lịch theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong khuôn khổ cho phép của pháp luật; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Long An.

Tỉnh tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh du lịch Long An đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước; tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng cộng đồng dân cư nghiệp vụ làm du lịch; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hình thành đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng trọng điểm; Long An mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố cả nước, nhất là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và với thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định, Long An rất trân trọng và luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng phát triển, cùng thành công, nhất là trong hợp tác, liên kết, đầu tư phát triển du lịch…