Hiệu quả từ mô hình Dân vận khéo

Dân vận khéo là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy đổi mới diện mạo làng quê, nâng cao cuộc sống người dân từ nông thôn đến thành thị của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều mô hình đã giúp những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, trở thành hộ khá, giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm tổ chức sinh nhật và tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đồng Tháp.
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm tổ chức sinh nhật và tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình “Quỹ góp vốn xoay vòng” ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) là một minh chứng. Năm 2019, Hội Cựu chiến binh xã vận động 12 hội viên thành lập quỹ góp vốn xoay vòng, với tổng số tiền 20 triệu đồng. Khi đó, hội xét cho gia đình bà Lương Mơ, ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận vay 18 triệu đồng, lãi suất 0,3%/tháng để phát triển kinh tế nông hộ. Vay được vốn, gia đình bà Mơ dành 5 triệu đồng mua máy xới đất để trồng 300 m2 rau các loại, phần còn lại trả tiền mướn ruộng trồng lúa. Bà Mơ chia sẻ, gia đình di dân từ bắc vào nam với hai bàn tay trắng, mấy chục năm mưu sinh tại khu vực biên giới Long An vẫn không thoát cảnh nghèo.

Từ đồng vốn sinh kế của “Quỹ góp vốn xoay vòng”, gia đình bà đã có thu nhập ổn định khoảng 300.000 đồng/ngày từ việc trồng rau, cộng với tiền lãi trồng lúa đã nuôi được 2 con học đại học ra trường có việc làm ổn định. Nguồn vốn này đã giúp gia đình bà Mơ thoát nghèo bền vững. Gia đình ông Nguyễn Đồng Hương, Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Kinh Mới cũng vay 18 triệu đồng từ nguồn quỹ này và vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cho con gái ông khởi nghiệp, mở cơ sở sơ chế nông sản mang lại thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho 4 lao động tại địa phương.

Nhìn chung, mô hình “Quỹ góp vốn xoay vòng” đã giúp các hộ nghèo trong hội thoát nghèo, hộ cận nghèo vươn lên khá, hộ khá vươn lên giàu. Chi hội trưởng Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận Lê Văn Út cho biết, năm 2019, quỹ có 12 trong tổng số 24 cựu chiến binh xã tham gia đóng góp theo khả năng tự nguyện từ 1-10 triệu đồng với mục tiêu cho hộ nghèo, cận nghèo là cựu chiến binh vay để trồng trọt và chăn nuôi. Với số vốn 20 triệu đồng góp ban đầu đã tạo được sức lan tỏa và đến tháng 10/2024 có tổng cộng 21 thành viên tham gia góp quỹ, với tổng số tiền 125 triệu đồng.

Qua gần 5 năm thành lập, “Quỹ góp vốn xoay vòng” đã có 14 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế đã thoát nghèo bền vững. Phần tiền lãi vay ít ỏi từ việc cho các hội viên vay làm kinh tế, Chi hội dành để thăm bệnh, mai táng phí và tặng quà hội viên nhận kỷ niệm chương Hội Cựu chiến binh. Mô hình này đang lan tỏa qua nhiều xã lân cận trên địa bàn huyện biên giới Vĩnh Hưng, Long An. Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Long An Nguyễn Việt Cường cho biết, Long An hiện có gần 1.000 mô hình Dân vận khéo, tất cả các mô hình đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giúp quê hương Long An ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Đồng Tháp, công tác dân vận đã và đang giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh thụ hưởng từ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, các chương trình an sinh xã hội…; từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên dạy bộ môn Toán, Trường trung học phổ thông Thiên Hộ Dương (thành phố Cao Lãnh) là tấm gương điển hình trong công tác dân vận. Năm 2015, cô giáo Tâm đã thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, đồng thời đảm trách nhiệm vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp.

Cô Tâm cho biết, cách đây 15 năm, trong một lần tham gia vận động học sinh đến trường, cô không may gặp tai nạn giao thông. Dù được sự cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ nhưng vụ tai nạn khiến cô gái trẻ vĩnh viễn mất đi một phần chân trái. Mặc dù gia đình gặp nhiều biến cố sau khi cô bị tai nạn, nhưng cô vẫn vượt lên hoàn cảnh, lan tỏa năng lượng tích cực. Thời gian qua, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Đồng Tháp, cô Tâm đã đứng ra vận động nhà hảo tâm cùng chung tay tổ chức nhiều hoạt động rất có ý nghĩa về an sinh xã hội như: các chương trình yêu thương người đồng cảnh, nhặt rác cùng người khuyết tật, trạm xe lăn; suất ăn nghĩa tình; trao tiền hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà người bán vé số, bán hàng rong, cụ già neo đơn, người khuyết tật... Tổng số tiền hoạt động thiện nguyện khoảng 3,2 tỷ đồng.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ: “Dù cuộc sống như thế nào thì vẫn phải sống tử tế với chính mình, tử tế với mọi người chung quanh. Việc đó thể hiện qua cách hành xử, lời nói trong giao tiếp, qua những điều tích cực mang đến cho mọi người và biết giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của bản thân”.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, Đồng Tháp xác định công tác dân vận là phải “đi trước mở đường” cho tất cả nhiệm vụ liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế-xã hội. Dân vận khéo sẽ góp phần tạo sự thông suốt, tháo gỡ những khó khăn, nhất là những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để khơi thông được sức mạnh của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong dân để cùng nhau chung sức đồng lòng góp phần xây dựng quê hương.