Quyết liệt phòng, trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa

Thời gian gần đây, nhiều diện tích dừa tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang bị nhiễm sâu đầu đen, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Ngành nông nghiệp cùng người dân đang tập trung đồng loạt các giải pháp để tiêu diệt loài sâu này, nhằm hạn chế thiệt hại.
Sâu đầu đen gây hại nặng trên các vườn dừa của nông dân ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Sâu đầu đen gây hại nặng trên các vườn dừa của nông dân ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Vườn dừa xơ xác vì sâu

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với gần 80.000 ha và là nguồn thu nhập chính của hàng chục nghìn nông hộ trồng dừa. Gần đây, nhiều diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại rất lớn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 896 ha diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại. Nhờ tăng cường các giải pháp phòng trừ, hơn 300 ha dừa đang trong quá trình phục hồi.

Hiện tại, diện tích dừa tại tỉnh Bến Tre đang bị nhiễm sâu đầu đen là gần 600 ha. Trong đó, huyện Mỏ Cày Nam nhiễm lớn nhất, với hơn 274 ha; kế đến là Giồng Trôm, với hơn 106 ha; huyện Thạnh Phú có 75 ha... Dọc các tuyến đường qua xã Cẩm Sơn, Minh Đức, An Định (huyện Mỏ Cày Nam) có rất nhiều vườn dừa xơ xác vì bị sâu đầu đen tấn công. Một số vườn dừa bị chết cho nên nông dân phải đốn bỏ để trồng lại; những vườn bị nhiễm nhẹ, người dân tích cực thực hiện các giải pháp phòng, trừ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Loan, ngụ xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam trồng 2.000 m2 dừa bị sâu đầu đen phá hoại, lá dừa xơ xác trắng cả vườn. Bà phải thuê người phun thuốc nhiều lần, với chi phí hơn 1 triệu đồng/lần. Bà Loan cho biết: “Khu vực này dừa bị sâu đầu đen gây hại rất nhiều. Đối với những vườn dừa bị nhẹ, ngành nông nghiệp hướng dẫn thả ong ký sinh để diệt sâu; còn những vườn bị nặng, người dân đồng loạt cắt bỏ tàu dừa để đốt rồi phun thuốc sinh học lên thân, đọt mới diệt hết bướm, sâu non”.

Các vườn dừa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng bị sâu đầu đen tấn công rất nặng. Dọc theo Tỉnh lộ 864 từ phà Bình Ninh về trung tâm xã, rất nhiều vườn dừa như bị người ta đốt cháy trên đọt. Một số nông dân không còn kiên nhẫn cho nên đã đốn bỏ để trồng lại cây ăn trái khác. Ông Nguyễn Văn Văn, ngụ ấp Tân Ninh, xã Xuân Đông trồng 6.500 m2 dừa được trên 20 năm tuổi. Thời điểm này, vườn của ông đang cho trái sai và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Cách nay hơn 1 tháng, sâu đầu đen bắt đầu tấn công các vườn dừa.

Ông Văn cho biết: “Mặc dù có kinh nghiệm trồng nhiều năm nhưng tôi khá lúng túng. Thấy dừa thiệt hại 40-50%, tôi sử dụng đủ mọi giải pháp nhằm tiêu diệt sâu đầu đen sớm nhất, tránh thiệt hại thêm. Tốn kém nhiều, hiệu quả không bao nhiêu. Mới đây, ngành nông nghiệp hướng dẫn, gia đình mua thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt mỗi tháng 1 lần. Đồng thời, cách 2 đến 3 ngày kiểm tra vườn, nếu sâu đầu đen chết thì tháng sau phun tiếp, không thì phải thay thuốc khác. Mỗi lần phun chi phí hơn 2 triệu đồng. Nhờ quyết liệt trong phòng, trừ cho nên vườn dừa đã phục hồi”.

Hiện tại tỉnh Tiền Giang có gần 22.500 ha dừa, ước sản lượng khoảng 247.000 tấn/năm; trong đó, diện tích bị nhiễm sâu đầu đen gần 280 ha, tỷ lệ gây hại 60-70%, một số khu vực nhiễm 100% và gần như không có khả năng phục hồi.

Tập trung, quyết liệt phòng, trừ

Để phòng, trừ sâu đầu đen gây hại vườn dừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cùng các huyện đã phóng thích ong ký sinh ấu trùng và ký sinh nhộng trên địa bàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã phóng thích hơn 178 triệu con ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã vận động nông dân tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp, không phun xịt thuốc sau khi thả ong để bảo vệ nguồn ong ký sinh nhằm bảo đảm hiệu quả phòng trừ; phối hợp với các địa phương có diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen vận động nông dân tiếp tục thực hiện các quy trình đã được hướng dẫn.

Vì vậy, diện tích dừa phục hồi dần tăng lên. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp các địa phương tăng cường điều tra nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công để thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp, tránh lây lan trên diện rộng.

Sau khi xuất hiện sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để sớm ngăn chặn và giảm thiệt hại cho nhân dân. Trong đó, các đơn vị trực thuộc đã hướng dẫn nông dân cách nhận biết sâu đầu đen, triệu chứng gây hại, biện pháp phòng, trừ; tập huấn, cấp phát tờ bướm cho rất nhiều nông dân ở các vùng trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng; thả 1.000 con ong ký sinh nhộng sâu đầu đen và thả gần 30.000 con ong ký sinh ấu trùng sâu đầu đen…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, địa phương thực hiện các giải pháp phòng, trừ và áp dụng ngay đối với các vườn dừa bị nhiễm để tránh lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác dự tính-dự báo, điều tra, phát hiện tình hình gây hại của sâu đầu đen, nhất là trên những vườn dừa nông dân ít hoặc không quan tâm chăm sóc; thống kê diện tích nhiễm, mức độ gây hại; ghi nhận tình hình áp dụng các biện pháp phòng trừ của người dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đốn bỏ và tiêu hủy đối với dừa trồng lấy bóng mát hoặc không phải là nguồn thu nhập chính, dừa già cỗi bị nhiễm sâu đầu đen nặng.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương, nhất là huyện Chợ Gạo tiếp tục những biện pháp phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa. Trong đó, tiến hành vệ sinh, cắt tỉa các lá dừa bị sâu bệnh, phun xịt thuốc trừ sâu đầu đen và giải pháp căn cơ, lâu dài nhất là giải pháp sinh học.