Hướng dẫn quy định về số giờ làm thêm trong bối cảnh phục hồi kinh tế

NDO -

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động.

Lao động tại Công ty Sài Gòn Food. (Ảnh minh họa: Quang Quý)
Lao động tại Công ty Sài Gòn Food. (Ảnh minh họa: Quang Quý)

Theo Công văn số 1312/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. (sau đây gọi tắt là Nghị quyết), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau.

Trước hết, chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết trên địa bàn quản lý. Trong đó, lưu ý một số nội dung sau đây.

Thứ nhất, các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Thứ hai, tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.

Thứ ba, khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 1 năm;...).

Thứ tư, khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Thứ năm, Nghị quyết số 17 xây dựng, ban hành căn cứ vào Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp Thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, các quy định của Nghị quyết số 17 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc làm thêm giờ trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết đến ngày 31/8/2022, gửi báo cáo về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 10/9/2022.

* Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 1/4/2022:
- Số giờ làm thêm trong 1 năm: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ năm nhóm lao động cụ thể (Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi).
- Số giờ làm thêm trong 1 tháng: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. 

Lao động và việc làm