Hưng Yên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực

Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 được tổ chức thực hiện trong những năm qua đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thức đầy đủ hơn lợi ích do thương hiệu sản phẩm mang lại và sự cần thiết phải xây dựng, thực hiện những biện pháp quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu sản phẩm; góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế và truyền thông quảng bá hình ảnh Hưng Yên đến với các đối tác trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần thực phẩm Tuấn Vũ Foods chế biến sản phẩm thịt gà Đông Tảo.
Công ty cổ phần thực phẩm Tuấn Vũ Foods chế biến sản phẩm thịt gà Đông Tảo.

Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Tuấn Vũ Foods Giang Tuấn Vũ cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến từ thịt gà Đông Tảo, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ của Sở Công thương tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về kiến thức chăn nuôi, chế biến, đóng gói, bảo quản, thiết kế mẫu mã, tem mác, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tập huấn nâng cao kiến thức về tổ chức sản xuất, quản lý và phát triển thương hiệu…; do vậy, công ty đã khai thác và phát huy hiệu quả kinh tế đặc sản địa phương là gà Đông Tảo.

Đến nay, công ty đã chế biến và cung cấp cho thị trường khoảng 10 sản phẩm từ thịt gà Đông Tảo, như: Giò gà, Giò xào gà, chả sụn gà, hay gà ủ muối, chân gà… trong đó, có bốn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (giò gà, chả sụn gà, giò lụa, xúc xích tươi).

Công ty Tuấn Vũ Foods đã hợp tác với 10 trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo tại địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến. Tất cả các trang trại cung cấp gà cho công ty đều chăn nuôi theo quy trình, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Gà trước khi xuất chuồng đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ độ tuổi, thời gian chăn thả, chế độ dinh dưỡng để tạo ra sản phẩm đầu cuối với chất lượng tốt; các sản phẩm đều được sơ chế, chế biến trong nhà xưởng đạt chuẩn HACCP và đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế theo nguyên tắc một chiều từ sản phẩm sống cho tới sản phẩm chín.

Sau gần bốn năm triển khai thực hiện Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương tỉnh đã hoàn thành mục tiêu hỗ trợ phát triển thương hiệu 15 sản phẩm chủ lực của tỉnh được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Nhãn, cam, vải, chuối, nghệ, mật ong, hạt sen, long nhãn, sản phẩm mộc mỹ nghệ, hoa-cây cảnh, hương, tương Bần, nếp thơm, gà Đông Tảo, bánh tẻ Phụng Công. Đề án đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, như: Xây dựng quy trình, quy định quản trị thương hiệu phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị; giúp các đơn vị khai thác có hiệu quả tài sản thương hiệu.

Đề án giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; bước đầu có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tiêu biểu như: Vải trứng, long nhãn, cam, tương Bần, mộc Hòa Phong... sẽ là những tiền đề thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp tục giữ gìn phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm.

Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu rộng rãi thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên thị trường, đông đảo người tiêu dùng trong cả nước và du khách quốc tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo hình ảnh và thông tin về các sản phẩm chủ lực, tổng đài tư vấn, hỗ trợ sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, vị thế thương hiệu của các sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở Công thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai đề án trong giai đoạn 2026-2030; đề xuất các nội dung hỗ trợ phù hợp với bối cảnh mới của phát triển thương hiệu sản phẩm, nhất là việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử; rà soát, lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực thật sự tiêu biểu của tỉnh; chọn 10 doanh nghiệp, cơ sở có năng lực và khát vọng phát triển đại diện cho 10 sản phẩm để hỗ trợ phát triển thương hiệu, huy động sự đóng góp phù hợp của các đơn vị thụ hưởng để cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh trong việc triển khai đề án trong giai đoạn 2026-2030.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Bắc cũng đề nghị: Các sở, ngành, địa phương lồng ghép các nội dung về hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm của tỉnh vào các chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn kết việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh với phát triển kinh tế, văn hóa của mỗi địa phương và của tỉnh để phát huy hiệu quả giá trị của các thương hiệu.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm cần đăng ký sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm của tỉnh đã được chứng nhận sở hữu trí tuệ. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm, hoạt động marketing, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại...; nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm và cơ sở để khai thác có hiệu quả, bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm, vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh...