Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó, 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Đây là cơ hội cho sự chuyển mình về không gian đô thị góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế.
Những dấu mốc quan trọng
Trong lịch sử dựng nước và phát triển, mở rộng bờ cõi, Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế trực thuộc Trung ương) luôn giữ vai trò và vị thế đặc biệt đối với dân tộc và đất nước Việt Nam. Với vị trí chiến lược đặc biệt của mình, ngày nay Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông-Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng-an ninh của cả nước. Ngoài ra, Huế cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có tám di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có sáu di sản của riêng Huế.
Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Quốc hội xem xét việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, do chưa hội tụ đủ các điều kiện nên chưa được thông qua. Từ đó đến nay, Bộ Chính trị đã bốn lần ban hành các văn bản: Kết luận số 48, ngày 25/5/2009; Thông báo số 175, ngày 1/8/2014; Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022.
Một trong những dấu mốc quan trọng là sau buổi làm việc vào ngày 15/11/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
Đặc biệt, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhấn mạnh đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Trong đó, đến năm 2030, thành phố Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Đến năm 2045, thành phố Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Ngày 13/9/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đồng chí Tô Lâm lưu ý, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới; góp phần hiện thực hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
Ngày 28/9/2024, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình số 495/TTr-CP ngày 20/9/2024 của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nội dung cơ bản của Đề án; tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 48 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống và Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đưa đời sống nhân dân ngày càng đi lên, bộ mặt đô thị ngày càng phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Huế.
Thời cơ và vận hội mới
Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế cho biết, việc xây dựng và phát triển Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà; là thành quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đến hôm nay đã thành hiện thực.
Là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng, trải qua biết bao thăng trầm, Huế vẫn vẹn nguyên sức sống mạnh mẽ; luôn giữ gìn, phát huy và lan tỏa những truyền thống quý báu với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người đã được bồi đắp qua chiều dài lịch sử của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân. Huế không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Theo đồng chí Lê Trường Lưu, đến nay, mô hình đô thị Huế theo hướng di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường đã hình thành, phát triển các trung tâm về văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt nhiều kết quả quan trọng, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh được giữ vững.
Trên chặng đường phát triển mới, thành phố Huế sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Huế sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Với vai trò và vị thế mới, toàn hệ thống chính trị, mỗi một cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Huế sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ, cùng chung sức, đồng lòng, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 175 của Quốc hội không chỉ là niềm tự hào của người dân Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho địa phương có bề dày lịch sử và văn hóa. Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam.
Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Năm 2024, tỉnh có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.840 USD; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt hơn 4 triệu lượt khách. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của Huế - thành phố lễ hội.
Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo điều kiện cho Huế khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị, trùng tu và bảo tồn di sản, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
“Với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ giúp một cố đô di sản khẳng định vững chắc vị thế mà còn giúp vị thế của người dân Huế được nâng lên. Dù mô hình phát triển thành phố có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì việc cải thiện đời sống cho người dân vẫn là điều quan trọng nhất.