Ngày 28/3, Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc họp báo công bố báo cáo thường niên năm 2021. Theo đó, năm 2021, Huawei đạt doanh thu 99,88 tỷ USD, lợi nhuận ròng cán mốc 17,85 tỷ USD (tăng 75,9% so cùng kỳ năm 2020).
Phát biểu tại họp báo, ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho rằng về tổng quan, hiệu suất năm 2021 của Huawei phù hợp với dự báo trước đó. Hoạt động kinh doanh giải pháp hạ tầng viễn thông duy trì ổn định, hoạt động kinh doanh giải pháp doanh nghiệp tăng trưởng và hoạt động kinh doanh thiết bị tiêu dùng nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực mới. Ngoài ra, hãng cũng đã phát triển nhanh hệ sinh thái.
Trước đó, Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei có bài phát biểu về báo cáo tài chính năm 2021 của hãng và cho biết thêm, mặc dù doanh thu sụt giảm trong năm 2021, song năng lực tạo ra lợi nhuận và tạo ra dòng tiền của hãng đang tăng lên.
Nhờ lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính được nâng cao, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Huawei đã tăng lên mạnh mẽ vào năm 2021, lên tới 9,37 tỷ USD. Tỷ lệ nợ phải trả giảm xuống còn 57,8%, cấu trúc tài chính tổng thể của hãng cũng trở nên linh hoạt và bền vững hơn.
Cụ thể, năm 2021, mảng kinh doanh giải pháp hạ tầng viễn thông của Huawei đã đạt doanh thu 44,19 tỷ USD và hỗ trợ các nhà mạng trên khắp thế giới triển khai mạng 5G hàng đầu.
Báo cáo độc lập của bên thứ ba cho thấy, mạng 5G do Huawei xây dựng cho khách hàng ở 13 quốc gia mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, đặc biệt là Thụy Sĩ, Đức, Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Năm qua, Huawei cũng đã ký hơn 3.000 hợp đồng thương mại cho các ứng dụng 5G công nghiệp thông qua việc hợp tác với các nhà mạng và đối tác. Các ứng dụng 5G này hiện được thương mại rộng rãi trên quy mô lớn trong các lĩnh vực như: sản xuất, khai khoáng hầm mỏ, nhà máy sắt thép, cảng biển và bệnh viện.
Nhờ xu hướng chuyển đổi số tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ, mảng kinh doanh giải pháp doanh nghiệp của Huawei cũng tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra doanh thu 16,08 tỷ USD trong 2021.
Theo đó, hơn 700 thành phố và 267 công ty trong danh sách Fortune Global 500 đã chọn Huawei làm đối tác chuyển đổi số. Huawei hiện cũng hợp tác với hơn 6.000 đối tác dịch vụ và vận hành trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng của Huawei tập trung vào nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, xa hơn nữa là xây dựng hệ sinh thái toàn cầu nhằm kiến tạo kỷ nguyên thông minh và kết nối vạn vật - thuộc chiến lược Seamless AI Life - Cuộc sống liền mạch với AI cho người tiêu dùng toàn cầu của Huawei.
Mảng này đã tạo ra doanh thu 38,21 tỷ USD trong năm 2021 và ghi nhận các mức tăng trưởng doanh số ổn định ở nhóm sản phẩm thiết bị đeo thông minh (wearable), màn hình thông minh, tai nghe âm thanh nối không dây (TWS) và dịch vụ di động Huawei (HMS).
Đặc biệt, phân khúc thiết bị đeo thông minh và màn hình thông minh đều tăng trưởng hơn 30% so cùng kỳ năm ngoái. Tính đến năm 2021, hệ điều hành HarmonyOS đã được sử dụng trên 220 triệu thiết bị Huawei, trở thành hệ điều hành dành cho thiết bị di động phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong năm 2021, Huawei cũng tập trung vào việc xây dựng các hệ sinh thái openEuler, MindSpore và HarmonyOS dựa trên nguyên tắc hợp tác cởi mở và tăng trưởng cùng thịnh vượng. Hơn 8 triệu nhà phát triển đang sử dụng các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở và công cụ của Huawei để xây dựng các kịch bản và mô hình kinh doanh mới.
Chia sẻ về tầm nhìn tương lai, Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping cho biết, thời gian tới hãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi thông minh và carbon thấp, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển.
Theo báo cáo thường niên được công bố, năm 2021, Huawei đã chi 22,4 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm 22,4% tổng doanh thu và góp phần nâng tổng mức chi cho R&D trong 10 năm qua lên hơn 132,66 tỷ USD. Các báo cáo tài chính trong Báo cáo thường niên năm 2021 của Huawei được kiểm toán độc lập bởi KPMG, một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.