Nội dung chính của bản ghi nhớ là khung khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước nhằm mục tiêu tăng cường và thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thuế và tài chính công.
Bản ghi nhớ gồm bốn lĩnh vực hợp tác, bao gồm: lĩnh vực thuế, đặc biệt là nội dung liên quan đến BEPS (chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận), kinh nghiệm về quản lý thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số, kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra, quản lý thuế doanh nghiệp lớn, giá chuyển nhượng, kinh nghiệm về quản lý rủi ro; dự báo, phân tích tài chính, kinh tế vĩ mô phục vụ việc xây dựng và thực thi chính sách tài khóa (tập trung vào chính sách thuế); quản lý nợ công và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm và đồng thuận bằng văn bản.
Theo Bộ Tài chính, trong hợp tác thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Đông Âu, kim ngạch trao đổi hàng hóa những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu nước ta xuất siêu.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 ngoài Liên hiệp châu Âu (EU) của Ba Lan. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của hai nước đạt hơn 1,79 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2018, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD và nhập khẩu hơn 298 triệu USD.
Trong hợp tác đầu tư, tính tới ngày 20-12-2019, Ba Lan có 19 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 209,34 triệu USD đứng thứ 38 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong đó có năm dự án cấp mới với trị giá 26,75 triệu USD.
Các dự án FDI của Ba Lan vào Việt Nam chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thông tin truyền thông.
Việt Nam có bốn dự án đầu tư sang Ba Lan với tổng vốn đầu tư khoảng 5,1 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm. Trong đó, có dự án đầu tư trị giá 3 triệu USD của Vinamilk thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng buôn bán nguyên liệu nông nghiệp, bán buôn, lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.