Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, toàn hội hiện có 43.219 hội viên; trong đó, có 35.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tại tỉnh hiện có khoảng 7.561 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và khoảng 481 ha diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị với các loại nông sản có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa lan, cây cảnh; có 150 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao với 8,3 triệu con, 265 trang trại chăn nuôi lợn với 714 nghìn con, 80 trang trại chăn nuôi vịt với 863 nghìn con… Ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình của nông dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, hiện nay liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị; nhất là đối với nông dân, từ đó tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng, nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”…
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát (huyện Bắc Tân Uyên) Trịnh Minh Thành cho rằng: Thời gian qua, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã và doanh nghiệp chưa tốt đã ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Với việc hợp tác sáu nhà mà Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phối hợp các đơn vị triển khai việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là rất có ý nghĩa; vì đây là xu thế và yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển, sẽ góp phần tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.
Ông Nguyễn Văn Toàn Cơ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Felix cho biết: Hiện giao dịch trên sàn nông sản B2B (Felix.store) của công ty có hơn 91.000 tài khoản, hơn 400 gian hàng, hơn 10.000 sản phẩm; số lượt truy cập sàn trung bình 40.000 lượt/ngày. Điểm nổi bật của sàn là mua sỉ, bán sỉ cho nên giá trị các đơn hàng bình quân từ 10,6 triệu đồng/đơn trở lên; giá trị hàng hóa giao dịch qua sàn đạt trung bình 60 tỷ đồng/tháng.
Thời gian qua, công ty phối hợp ký kết với hội nông dân 13 tỉnh, trong đó có Bình Dương. Với việc ký kết này, công ty phối hợp triển khai, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại sản phẩm nông sản thông qua kênh thương mại điện tử.
Đây cũng là điều thuận lợi để công ty và các tổ chức, đơn vị liên quan phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án chuyển đổi số, kế hoạch triển khai xây dựng kênh thương mại điện tử cho hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã đề ra hai chương trình đột phá gồm “Xây dựng chương trình hợp tác sáu nhà, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông sản” và “Xây dựng mô hình nông dân khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Chương trình hợp tác “sáu nhà” nhằm phát huy khai thác nguồn nội lực của “sáu nhà” trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân nói chung; tính khả thi của chính sách, công nghệ, nâng tầm giá trị, tính hiệu quả kinh tế của “sáu nhà”, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho rằng: Vấn đề liên kết “sáu nhà” đã được Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách kịp thời nhằm tạo động lực hình thành chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương, thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, từ khâu đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp.
Với nhiệm vụ quan trọng là làm vai trò đại diện, cầu nối giữa hội viên nông dân với các nhà như: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối nhằm tập trung khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong nông dân, tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác.
Để chương trình hợp tác “sáu nhà” được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần tiếp tục tuyên truyền, lồng ghép nội dung này vào các chương trình, hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đại diện cho hội viên nông dân như các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, qua đó làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.