Cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Công tác khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với thái độ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh Đồng Nai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên hằng năm. Đây là hoạt động cần thiết, ghi nhận tình hình dựa trên trải nghiệm trực tiếp của người trong cuộc, trở thành một kênh thông tin xác đáng, thuyết phục, hữu hiệu. Kết quả khảo sát giúp các cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở khách quan để lựa chọn giải pháp phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ bộ phận một cửa phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Cán bộ bộ phận một cửa phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Chỉ số hài lòng từ phía người dân, doanh nghiệp đối với thái độ cán bộ, công chức, viên chức đạt điểm nhiều nhất trong năm 2023, nhưng Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá chưa đáp ứng kỳ vọng.

Việc làm phải xuất phát từ trái tim

Theo kết quả công bố chỉ số hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Đồng Nai đạt tỷ lệ trung bình ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) là 88,6% (năm 2020); 92,7% (năm 2021); 77,3% (năm 2022); 99,2% (năm 2023). Khảo sát được thực hiện tại 17 sở, ban, ngành; 11 đơn vị cấp huyện; 170/170 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh.

Địa bàn Đồng Nai hiện có gần 42.000 cán bộ, công chức, viên chức, chủ yếu biên chế thuộc khối nhà nước. Có thể thấy, chỉ số hài lòng của người dân đã vượt lên đột phá năm 2023 và tỷ lệ công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh chỉ chiếm 0,03% số lượt ý kiến được khảo sát phản ánh cùng năm.

Đây là sự tiến bộ vượt bậc sau kết quả khảo sát không như mong đợi vào năm 2022, đã thúc đẩy chính quyền địa phương đưa ra hàng loạt biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót, nhất là xử lý “điểm nghẽn” từ phía cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời đề xuất xử lý sai phạm, khuyết điểm kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai Nguyễn Quốc Vũ cho biết: “Qua kiểm tra đột xuất một số đơn vị cấp xã đầu năm 2024, vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chưa đúng quy trình, thủ tục, khiến người dân phải đi lại nhiều lần; cán bộ, công chức bỏ vị trí trong giờ hành chính để làm việc riêng.

Tuy đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng, thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó, nâng cao ý thức văn hóa, đạo đức công vụ của đội ngũ”. Từ khi mô hình “Chính quyền thân thiện” được tỉnh Đồng Nai triển khai rộng rãi đồng loạt ở tất cả xã, phường, thị trấn, càng nhận được nhiều thiện cảm, hài lòng từ phía người dân.

Ông Lê Văn Dũng, người dân xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi hay trực tiếp lên Ủy ban nhân dân xã để làm thủ tục về nhà đất và về giấy tờ bên cơ quan công an. Tôi cảm nhận sự cải tiến của cán bộ, viên chức xã nhà rất rõ rệt, tiếp khách rất nhiệt tình, tế nhị, hướng dẫn người dân đầy đủ, nhanh chóng hơn, không phiền hà”.

Đó là chuyển biến thực chất đến từ quá trình tiếp dân luôn thực hiện phương châm “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép), “4 luôn” (mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe, giúp đỡ) và “5 không” (không cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thực thi công vụ), mà người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai đã quán triệt áp dụng rộng rãi mô hình “Chính quyền thân thiện” ở cấp xã từ tháng 7.

Thực tế nhiều nơi cho thấy, người dân, xã hội ngày càng chủ động, tự giác quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước để cùng chung tay xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm.

Lấy lòng dân làm thước đo

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: Mặc dù các chỉ tiêu, tiêu chí về cải cách hành chính của huyện năm 2024 có chuyển biến tích cực; tuy nhiên, lãnh đạo huyện luôn quán triệt, nhắc nhở cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, cần nâng cao trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với những hồ sơ chưa bảo đảm thủ tục hành chính, để người dân nắm và bổ sung, chứ không trả lời là “không” và không trả lời là “không thực hiện được”.

“Tất cả những vướng mắc thì đều có quy định pháp luật để thực hiện, quan trọng là ngoài yếu tố chuyên môn, thì thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp phải được thấm nhuần trong từng cán bộ, công chức, viên chức”, đồng chí Mai Văn Hiền khẳng định.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2023, vẫn còn 1,45% người dân được khảo sát chưa hài lòng về thái độ phục vụ của công chức tại đơn vị cấp sở. Nguyên nhân chủ yếu là do công chức, viên chức chưa thân thiện, hướng dẫn hồ sơ không rõ ràng, thiếu tận tình. Cá nhân cán bộ, công chức nào rơi vào hoàn cảnh này, nên tự biết xấu hổ, cảm thấy lo lắng về uy tín, niềm tin của bản thân khi người dân, doanh nghiệp không hài lòng.

Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”; theo phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, xem đây là điểm nhấn quan trọng để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.

Tính minh bạch là không có câu chuyện doanh nghiệp sân trước, sân sau; không có phục vụ người dân này còn người kia thì bỏ mặc, minh bạch với một bộ phận nhỏ còn bưng bít với bộ phận lớn. Minh bạch là cho toàn xã hội, công khai cho toàn dân, mọi công dân, doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận thông tin. Địa phương nào càng minh bạch thì lòng dân càng tốt, càng phát triển.

Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 36 CT/TU về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó đòi hỏi tăng cường tinh thần nỗ lực, vào cuộc đồng bộ, sâu sát hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tiếp tục cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi mạnh mẽ nhận thức, tư duy, hành động theo hướng đáp ứng nhu cầu, mong đợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Tại lễ ký cam kết giữa lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị kiên quyết thay thế cán bộ năng lực yếu kém, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm để công việc trì trệ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu “trị” dứt điểm “bệnh” sợ trách nhiệm, cầm chừng; hướng tới chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ. Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu thực hiện mô hình “Buổi sáng với doanh nghiệp và nhân dân” để xử lý tạm thời, trước mắt vấn đề phát sinh. Gấp rút tham mưu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng nội dung, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành riêng một nghị quyết chấn chỉnh ngay lề lối làm việc, phong cách phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh sẽ tổ chức một hội nghị xốc lại tinh thần, lề lối làm việc, phong cách phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Sở Nội vụ chủ trì cùng Thanh tra tỉnh nhanh chóng ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý một số sự việc chậm, để kiểm điểm, uốn nắn, cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống đội ngũ liên quan cách thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.