Cấp thiết mở rộng năm tuyến đường cửa ngõ
Qua rà soát trong số rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh lên danh mục năm tuyến đường giao thông hiện hữu cần sớm được đầu tư mở rộng giai đoạn 2023-2028. Năm dự án có tổng chiều dài 36,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng; trong đó, có ba tuyến quốc lộ huyết mạch, là đầu mối ra vào cửa ngõ thành phố.
Cụ thể, Quốc lộ 1A (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3). Ngoài ra có đường trục bắc-nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành), xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Thực tế, cả năm tuyến đường đều gặp tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Với hiện trạng, quy mô mặt cắt ngang nhỏ hẹp, chỉ 2-4 làn ô-tô, trong khi lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22) rất lớn, luôn trong tình trạng quá tải gây ùn ứ kéo dài. Theo chính quyền thành phố, việc đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến đường này là cấp thiết nhằm bảo đảm việc lưu thông đi lại, kết nối với các địa phương khác thông qua các cửa ngõ.
Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện các dự án nêu trên bảo đảm đúng kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 theo quy định.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Luật PPP trước đây ban hành không có quy định thu giá các tuyến đường BOT hiện hữu. Song tình hình thực tế tại thành phố phát sinh nhu cầu đầu tư đặc biệt là các dự án giao thông trên đường hiện hữu, nhằm giúp hiện đại hóa hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn xin Trung ương ban hành cơ chế cho phép đầu tư, khai thác BOT trên các tuyến đường hiện hữu này. Vì vậy, việc tham vấn, lấy ý kiến, trao đổi với các nhà đầu tư, chuyên gia, đơn vị có chuyên môn rất cần thiết trước khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ông Lâm chia sẻ thêm: Tiêu chí khi thực hiện các dự án BOT là làm sao hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, phải đưa ra luận cứ có hiệu quả thật sự, tác động xã hội như thế nào, các giải pháp công nghệ làm sao nhằm giảm tới mức thấp nhất tác động giao thông đi lại khi thi công xây dựng.
Dự kiến trong quý IV năm nay, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quý III/2025 tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 5 dự án BOT này.
Nhiều góp ý về phương án tài chính, thiết kế
Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã tạo cơ chế đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh với việc cho phép áp dụng hợp đồng BOT cho dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Các điều kiện để áp dụng loại hình này bao gồm: Công trình phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao; dự án lựa chọn được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT phải nằm trong danh mục Hội đồng nhân dân thành phố ban hành…
Ủy ban nhân dân thành phố phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin dự án để người dân giám sát. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) Lê Quốc Bình cho rằng: Nên dùng vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án BOT và tách nội dung này thành dự án riêng. Đồng thời, cần có quy chế ràng buộc trách nhiệm về bàn giao mặt bằng, nghĩa là nhà đầu tư nhận 90% mặt bằng trống từ Nhà nước, lúc đó công trình sẽ tổ chức thi công.
Theo ông Bình, với những tín hiệu mới về bảng giá đất, Luật Đất đai mới, cơ chế thu hồi đất… sẽ giúp giải quyết nhanh hơn các thủ tục đầu tư so với các năm trước đây. Đại diện CII cho rằng: Nếu làm đường trên cao với ba tuyến quốc lộ ngay từ bây giờ thì phần vốn rất lớn. Vì vậy, nên phân kỳ theo hai giai đoạn, giai đoạn 1, làm đường đi thấp, các nút giao dưới thấp làm cầu vượt, hầm chui, giai đoạn 2, làm đường trên cao sẽ bớt áp lực cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, theo đại diện đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm dự án cửa ngõ, các tuyến đường tại năm dự án cửa ngõ đều được bố trí các làn tốc độ cao. Về cơ cấu nguồn vốn, Nhà nước sẽ tham gia với tỷ lệ từ 50-70%, còn lại là huy động từ nhà đầu tư.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đề nghị: Hầu hết chi phí giải phóng mặt bằng các dự án rất cao, vượt 50% tổng mức đầu tư. Do đó, cần thiết phải tính toán tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng do cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư. Nếu không, nhà đầu tư dễ có tâm lý “bỏ chạy”.
Về thiết kế, nếu các dự án BOT này thực hiện nên hạn chế đi trên cao, ưu tiên nghiên cứu đi hầm, nhất là tại các nút giao để bảo đảm tính thẩm mỹ và cảnh quan. Về phương án tài chính, ông Mai cho rằng: Cần phải thống nhất tiêu chí mềm là phương án thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm, không nên để vòng đời dự án lâu hơn.
Ngoài ra, để minh bạch hơn các dự án BOT cần thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt nhằm tận dụng cơ chế của Nghị quyết số 98. Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nghị quyết số 98 đã tạo cơ chế đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quy mô lớn. Trong đó, BOT đường hiện hữu cũng được quan tâm rót vốn đầu tư, không đơn thuần là mở tuyến mới, cũng không phụ thuộc vào một nhà đầu tư mà có thể là một vài nhà đầu tư cùng thực hiện.