Thỏa thuận trên được công bố tại Thủ đô Ki-ép của U-crai-na mới đây, sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản P.Ki-si-đa và người đồng cấp nước chủ nhà L.Cô-gia-ra. Trả lời họp báo sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản P.Ki-si-đa cho biết, hai bên đã đồng ý hợp tác trong lĩnh vực không gian để giám sát các vùng quanh Tréc-nô-bưn và Phư-cư-si-ma. Theo dự án hợp tác, hai nước sẽ đưa vào quỹ đạo tám vệ tinh cỡ nhỏ từ nay đến năm 2014, nhằm thu thập thông tin về tác động của phóng xạ từ các trung tâm năng lượng bị hư hại tỏa sang các vùng lân cận.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vệ tinh do Tô-ki-ô thiết kế nặng khoảng 60 kg, sẽ được tên lửa U-crai-na đưa lên quỹ đạo ở độ cao 600 km, từ đây vệ tinh sẽ chụp ảnh vùng được quy định, hai giờ một lần và thu thập thông tin về mức độ phóng xạ cao ghi nhận ở các khu vực này.
Giới chuyên gia đánh giá dù rất khác biệt, song sự cố thảm họa hạt nhân Tréc-nô-bưn năm 1986 và Phư-cư-si-ma năm 2011 là hai thảm họa hạt nhân được xếp vào mức cao nhất, mức bảy trong Thang cảnh báo quốc tế gồm bảy bậc về sự cố hạt nhân và phóng xạ (INES).
Trong khi đó, Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) ngày 28-8 vừa qua đã quyết định nâng mức đánh giá tình trạng nghiêm trọng của vụ rò rỉ nước nhiễm xạ gần đây tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 lên cấp độ 3 trong INES - cao hơn hai cấp độ so với đánh giá ban đầu của NRA.
Quyết định trên được NRA đưa ra, sau khi Công ty Ðiện lực Tô-ki-ô (TEPCO), cơ quan điều hành Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 cho biết, khoảng 300 tấn nước nhiễm xạ ở mức cao đã bị rò rỉ từ một bể chứa lớn và đây là vụ rò rỉ nghiêm trọng nhất kể từ khi ba lò phản ứng tại nhà máy này bị nóng chảy sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011. Tuy nhiên, Chủ tịch NRA S.Ta-na-ka cho rằng, cơ quan này không nên quá vội vàng khi đánh giá các vấn đề nảy sinh tại Nhà máy Phư-cư-si-ma trong thời gian tới và nên cân nhắc cách phổ biến thông tin hiệu quả về những gì đang xảy ra tại nhà máy này, cũng như về việc các sự cố này ảnh hưởng như thế nào tới môi trường.
TEPCO hiện sử dụng hàng trăm bể chứa nước nhiễm xạ sau khi dùng nước làm nguội ba lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy. Lượng nước nhiễm xạ rò rỉ từ một bể chứa trong số này có thể đã chảy ra Thái Bình Dương qua hệ thống thoát nước.
Sau khi NRA quyết định nâng mức đánh giá tình trạng nghiêm trọng của vụ rò rỉ nước nhiễm xạ gần đây tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 nói trên, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đề nghị Nhật Bản giải thích rõ hơn về những gì đang xảy ra tại nhà máy này và tránh đưa ra "những thông điệp khó hiểu".
Trong một báo cáo gửi NRA, IAEA đánh giá vụ rò rỉ nước nhiễm xạ xảy ra mới đây là một trong những vụ việc đáng quan tâm liên quan tới rò rỉ nước nhiễm xạ. Các vụ việc tương tự trước đó không được đánh giá theo INES. Vì vậy, giới chức hữu quan Nhật Bản cần giải thích trước truyền thông và dư luận tại sao nâng mức đánh giá vụ việc này, trong khi các vụ trước không được đánh giá theo INES.
IAEA nhắc lại rằng, cơ quan này không ủng hộ việc sử dụng thường xuyên tiêu chuẩn INES để đánh giá trong tương lai, vì việc áp dụng tùy tiện tiêu chuẩn này có nguy cơ gây hoang mang cho dư luận. Theo IAEA, nên áp dụng một chiến lược truyền thông để giải thích về mức độ an toàn của những vụ việc như vậy để tránh nguy cơ tạo ra "những thông điệp khó hiểu".
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê cho biết, chính phủ của ông sẽ tham gia quá trình xử lý nhiễm xạ ở Nhà máy Phư-cư-si-ma và sẽ không phó mặc cho Công ty điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) tự giải quyết.