Hợp tác, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững hơn

NDO - Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam-Lào-Campuchia hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có Covid-19” nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu, kêu gọi sự quan tâm và phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước và sự cam kết đồng hành của cộng đồng quốc tế, nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết về phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Sáng 28/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển khai mạc Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam-Lào-Campuchia hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có Covid-19”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở ba điểm cầu chính tại Hà Nội, Vientiane, Phnom Penh.

Tại điểm cầu Hà Nội, có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tại điểm cầu Campuchia, có bà Men Sam An, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Campuchia, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển.

Tại điểm cầu Lào, có bà Inlavanh Keobounphanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy hiện nay vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới.

Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững.

“Tại diễn đàn hôm nay, chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ trong tiến trình hướng tới phát triển xanh và bền vững ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi thể hiện quyết tâm và cam kết tiếp tục các hoạt động, sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hưởng lợi của phụ nữ từ tiến trình này. Tôi mong muốn và kêu gọi phụ nữ ba nước chúng ta hãy cùng hợp tác, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Men Sam An, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển cho biết: "Thông qua diễn đàn, tôi hy vọng chúng ta sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm, trao đổi quan điểm và thiết lập được một kế hoạch hành động chung để hoàn thành mục tiêu “Phát triển xanh và bền vững trong bối cảnh Covid-19”. Hội Phụ nữ Campuchia sẵn sàng hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào, các nước trong khu vực và thế giới, cũng như các tổ chức, hội trong nước và quốc tế thực hiện mục tiêu với tinh thần trách nhiệm cao trong việc phát triển xanh, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trồng cây ở những khu vực xói mòn, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã và thích ứng với biến đổi khí hậu, để phụ nữ có thể nhận được những kết quả tích cực một cách công bằng".

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Inlavanh Keobounphanh cho biết, trong tình hình thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Lào đã nâng cao tính chủ động tham gia ứng phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Đây là những mối đe dọa đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội quốc gia nói chung, đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em nói riêng. Diễn đàn này sẽ trở thành cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, bài học hay trong việc tổ chức thực hiện việc phát triển xanh và bền vững tại mỗi nước, nhất là việc có sự tham gia của phụ nữ.

Diễn đàn được tổ chức trong hai phiên: phiên buổi sáng có chủ đề “Phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có Covid-19” với các tham luận, chia sẻ của đại diện ba nước và chuyên gia quốc tế về các chương trình, sáng kiến quốc gia và khu vực trong sản xuất nông nghiệp sạch, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển du lịch thân thiện với môi trường; phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội thích ứng với trạng thái bình thường mới; phát huy vai trò của phụ nữ vì phát triển xanh, bền vững.

Phiên buổi chiều với chủ đề “Giảm phát thải khí carbon” giới thiệu thực trạng biến đổi khí hậu, thị trường carbon; bình đẳng giới trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.