Tại buổi lễ ký kết, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai tốt các chương trình, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2011-2020 và tăng cường vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trên thế giới và trong khu vực.
Có thể kể đến một số kết quả quan trọng như: Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển đến năm 2020; Chương trình Tây Nguyên 2016-2020; Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ 2016-2020; thành lập hai trung tâm quốc tế về Toán và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO; nâng cao chất lượng 9 tạp chí khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Hải dương học UNESCO (IOC). Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các sự cố môi trường như ô nhiễm biển miền trung, cháy Nhà máy bóng đèn Rạng Đông và nguyên nhân cá chết tại Hồ Tây…
Đề cập nội dung phối hợp cho giai đoạn tới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết, với mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp để tổ chức góp ý cho các dự thảo văn bản luật như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử. Các luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định, điều ước quốc tế và về cơ bản sẽ tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xây dựng các nhiệm vụ, chương trình Khoa học và Công nghệ để phát triển một số sản phẩm chủ lực, tạo bứt phá về năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, rất cần sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ, trường đại học, … để tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nhằm giải quyết các bài toán chung của đất nước. Trước mắt và rất quan trọng là triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những cơ quan tiên phong tổ chức thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, đề nghị Viện tiếp tục quan tâm triển khai các nhiệm vụ này, với sự đồng hành, phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng nhấn mạnh, hiện nay, vẫn có khoảng trống pháp lý trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp các viện, trường đại học nghiên cứu xây dựng đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin thử nghiệm chính sách nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có hàng trăm các công nghệ sẵn sàng chuyển giao. Do vậy, Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học để cùng nhau thảo luận, bàn cách làm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Tại buổi lễ, lãnh đạo hai đơn vị đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2015, với các nội dung phối hợp về nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phục vụ hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học cơ bản; triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia….
Lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Chương trình hợp tác nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 và góp phần phát triển Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thành Viện nghiên cứu hàng đầu ASEAN và các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ.