“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới

NDO - Kết quả xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam rất khả quan với mức tăng trưởng trung bình khoảng từ 14-16%. Việt Nam cũng đang duy trì mức xuất siêu khoảng từ 8-10 tỷ đô la Mỹ. Những con số biết nói cho thấy cơ hội trên thị trường toàn cầu vẫn tiếp tục rất lớn với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng “đẩy thuyền” trên con sóng thương mại điện tử đang ngày một lớn?

Nhằm cập nhật xu hướng, giải pháp, định hướng chính sách để thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 với chủ đề “Kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới ảnh 1

Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách tập trung vào xây dựng và thúc đẩy các quy định, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt.

Với sự tham dự của đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - Bộ Công thương, Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và thương mại điện tử, các bên tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.

Mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu trực tuyến với sáng kiến hợp lực

Trong các phiên thảo luận, có thể nhận thấy “sóng” cơ hội vẫn đến rất nhiều với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi cơ hội đến thì doanh nghiệp Việt cũng cần được trang bị thêm cả về tư duy lẫn kiến thức, cùng với nhiều nhất có thể những sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn, các cơ quan chức năng để có thể sẵn sàng trong sự rộng mở này.

“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới ảnh 2
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên thị trường quốc tế của Việt Nam đến năm 2030 tại các thị trường mục tiêu.

Ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, phần lớn doanh nghiệp của chúng ta là vừa và nhỏ, siêu nhỏ hay thậm chí ở mức hộ kinh doanh…đây mới là nhóm có nhiều hàng hóa sản phẩm nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, đặc thù họ là những người chuyên sản xuất nên chưa tiếp cận được các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Trần Quý Hiến - Ceo Ecomstone Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên nền tảng điện tử xuyên biên giới, cho biết những vướng mắc mà đa phần các doanh nghiệp trong nước đã và đang gặp phải: Đối với rất nhiều doanh nghiệp Việt thì thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là 1 khái niệm khá là mới mẻ. Nước ta vẫn được biết đến là quốc gia hướng đến xuất khẩu nhưng hình thức xuất khẩu lại chưa được cập nhập đủ nhanh mà vẫn khá thiên về truyền thống, thí dụ như thông qua các hội chợ thương mại hay những kênh phân phối từ các nhà nhập khẩu. Vì thế khi doanh nghiệp Việt chuyển từ mô hình xuất khẩu truyền thống sang những cái mô hình tiên tiến hơn sẽ gặp rất nhiều cái rào cản”.

Ông Trần Quý Hiến - Ceo Ecomstone Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên nền tảng điện tử xuyên biên giới.

Lấy ví dụ cho ý kiến này, ông Hiến chỉ ra vấn đề về thiết kế mẫu mã hoặc rào cản tiêu chuẩn, kỹ thuật, mặt bằng chung nhân sự chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp có thể “chiến đấu” ngang bằng với đối thủ ở xứ người; cùng với đó là các chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh để bắt kịp với sự dịch chuyển của thị trường.

Chính vì vậy, các bên đã trao đổi và hướng đến sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Trong đó có thể kể đến việc ra mắt Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) ​​do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thông tin, việc thành lập Liên minh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam” sẽ tập hợp các doanh nghiệp để cùng nhau thúc đẩy hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Thành viên của Liên minh này bao gồm các đối tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề như sản xuất, xuất khẩu, logistics, ngân hàng hay các đơn vị truyền thông.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương.

Theo đánh giá của ông Hải, sự tập hợp trong 1 liên minh có 1 ý nghĩa rất lớn khi các doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế của nhau và thúc đẩy sự liên kết đa nền tảng.

Việt Nam có nhiều hàng hóa sản phẩm tốt, tuy nhiên điểm yếu là các sản phẩm chưa được phát triển mạnh để bán ra thị trường quốc tế. Các bên sẽ tạo ra 1 nơi để giao lưu giữa 2 nhóm, gồm các cơ quan Quản lý Nhà nước, viện, trường…để tham gia thảo luận, đào tạo về chính sách pháp luật, định hướng của các Cơ quan quản lý Nhà nước để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong thời tới. Bên cạnh đó, nhóm cộng đồng doanh nghiệp sẽ được định hướng, xác định cách phát triển, chiến lược lâu dài khi tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Xây dựng môi trường chính sách hướng tới thành công xuyên biên giới

Amazon Global Selling Việt Nam cung cấp một bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Doanh nghiệp Việt trên Amazon trong những năm vừa qua; đồng thời giới thiệu về các chương trình, dịch vụ để khai thác tiềm năng sản xuất, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu toàn cầu phù hợp với nhu cầu đặc biệt của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biếtThương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn và chúng tôi rất vinh dự được là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua các sự kiện như Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 này, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới, trao quyền cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao vị thế toàn cầu cho hàng hóa, thương hiệu và ngoại thương Việt Nam trên trường quốc tế”.

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung.

Dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.

Thông qua các phiên thảo luận cùng các chuyên gia đầu ngành, các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc xây dựng và thúc đẩy các quy định, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài biên giới một cách liền mạch, hiệu quả, bền vững.

“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới ảnh 4

Các Hiệp định ưu đãi mà Việt Nam tham gia.

Các thảo luận cũng xoay quanh các sáng kiến ​​đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ sinh thái ngành đến định hướng quảng bá thương hiệu và tiếp cận xu hướng thị trường thông qua dữ liệu số và công nghệ. Cùng với đó, các bên cũng mong muốn môi trường chính sách với nhiều hỗ trợ cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam sẽ ngày càng được cải thiện.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó chủ tịch, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô”.

back to top