Giữ nguyên trần lãi suất cho vay
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, 9 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá hàng hóa cũng như lạm phát ở nhiều quốc gia tăng rất cao và trong thời gian gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát.
Trong bối cảnh đó, để đối phó với lạm phát và giảm bớt tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành. Tính từ đầu năm 2022, có 262 lượt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra rất quyết liệt và Ngân hàng Trung ương các nước rất kiên quyết để thực hiện nhiệm vụ này.
Về phía chúng ta, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của FED, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ chúng ta đặt ra từ đầu là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ.
Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của FED, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại.
Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, NHNN khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tháo gỡ khó khăn về thủ tục mua sắm thuốc, vật tư y tế
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.
Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị. Ngoài ra trong thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp để tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.
Nỗ lực làm tốt việc điều hành giá xăng dầu
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên quan đến chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trước hết chúng tôi cũng nhắc lại là vai trò chính của Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính có 2 việc rất quan trọng, một là bảo đảm nguồn cung về xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Hiện nay, chúng ta làm khá tốt, bảo đảm đủ nguồn cung trong bối cảnh cả thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm nguồn cung về xăng, dầu.
Thứ hai là Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao, rất rõ là phải bám sát vào giá của thị trường thế giới, phải sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu một cách linh hoạt. Vì vậy, hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam theo kỳ điều hành gần nhất ngày 21/9, giá các loại xăng tương đương với giá tháng 7/2021, với giá dầu thì giá dầu FO (Mazut) tương đương với mức giá tháng 4/2021, dầu DO (diezen) tương đương với tháng 3/2022, tức là khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam); doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; tổng thể về kinh tế vĩ mô, thí dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP.
Vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, liên Bộ Công thương-Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ vì mức chiết khấu thấp và nhiều doanh nghiệp bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng, đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua.
Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam); doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; tổng thể về kinh tế vĩ mô, thí dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP..
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải
Đúng là có việc mức chiết khấu được thoả thuận khi nguồn cung xăng dầu dồi dào hoặc giá thế giới có xu hướng giảm. Với việc điều hành rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm giá xăng dầu. Nếu có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu đi. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu được hiện nay và thời gian vừa qua có việc mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp có 2 lý do như sau:
Thứ nhất, từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước.
Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu, tuy nhiên sang quý III, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn, với giá cao, sau đó thì giá xăng dầu trong nước được điều hành bám sát theo xu hướng thế giới, giảm liên tục. Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.
Thứ hai là, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, thí dụ chi phí vận tải, vận chuyển, chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính, đơn vị phụ trách về các giá của mặt hàng này công bố điều chỉnh trong giá cơ sở do Nhà nước điều hành, và để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đầu vào buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.
Về góc độ của Bộ Công thương, Bộ đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ, ngày 23/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc xem xét quyết định các chi phí hợp lý như thế này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, và cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương, đơn vị liên quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp liên quan trong kinh doanh xăng dầu.
Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính trong chức năng thẩm quyền của mình để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Khẩn trương điều tra các vụ án trọng điểm
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công an thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Bộ đang quyết liệt, tập trung lực lượng điều tra theo đúng tiến độ, theo phương châm thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, xử lý một vụ để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực, làm không ngừng nghỉ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó.
Đến nay, đối với vụ Việt Á, đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn 28 bị can, vụ án ở Cục Lãnh sự có 21 bị can, vụ án Tân Hoàng Minh có 7 bị can, Bộ Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trong thời gian tới.
Đến nay, đối với vụ Việt Á, đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn 28 bị can, vụ án ở Cục Lãnh sự có 21 bị can, vụ án Tân Hoàng Minh có 7 bị can, Bộ Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trong thời gian tới.
Điểm đặc biệt, đây là các vụ án kinh tế, nên trong quá trình tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng điều tra xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi, đến, các tài sản của các đối tượng để khi khởi tố vụ án, bị can, số tài sản, nguồn tiền được phong toả, kê biên để bảo đảm thu hồi tiền cho người dân và nhà nước.
Thí dụ, trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản được kê biên phong tỏa là 4.000 tỷ đồng; vụ việc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tài sản thiệt hại 150 tỷ đồng, nhưng số tài sản các đối tượng bị kê biên lên tới 1.150 tỷ đồng, tài sản nhà nước được bảo đảm.
Đó là điểm mới trong các vụ án kinh tế là làm sao kiểm soát nguồn tiền, tài sản của các bị can bảo đảm người bị hại, người dân, nhà nước không bị ảnh hưởng, thiệt hại.