Hơn 84% cơ sở khám chữa bệnh chưa liên thông đơn thuốc quốc gia

NDO - Dù đã quá hạn để các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử tới Hệ thống đơn thuốc quốc gia, nhưng đến nay, trong khoảng hơn 60.000 cơ sở khám chữa bệnh (công lập, tư nhân) trên toàn quốc, mới có khoảng 8.473 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia, chỉ đạt mức hơn 16%. Còn khoảng 84% cơ sở khám chữa bệnh chưa liên thông đơn thuốc quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Hội Tin học y tế đã phối hợp với 61/63 Sở Y tế tập huấn online cho khối y tế công lập vào cuối năm 2022 để triển khai liên thông đơn thuốc từ phần mềm vốn có của cơ sở.
Hội Tin học y tế đã phối hợp với 61/63 Sở Y tế tập huấn online cho khối y tế công lập vào cuối năm 2022 để triển khai liên thông đơn thuốc từ phần mềm vốn có của cơ sở.

Việc liên thông đơn thuốc quốc gia còn chậm trễ

Theo Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống khép kín trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện được việc bán thuốc theo đơn đúng và chính xác, tránh việc mua thuốc tràn lan bừa bãi tự làm bác sĩ và đại dịch nhờn thuốc đang diễn ra, từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đơn thuốc được kê bảo đảm tính minh bạch, chính xác, tránh đơn giả và bảo đảm nhà quản lý có công cụ giám sát việc hành nghề kê đơn của mỗi bác sĩ.

Thời gian qua, theo báo cáo của Hội Tin học Y tế, Hội đã phối hợp với 61/63 Sở Y tế tập huấn trực tuyến cho khối y tế công lập vào cuối năm 2022 để triển khai liên thông đơn thuốc từ phần mềm vốn có của cơ sở.

Đối với khối y tế tư nhân, Hội cũng đã hỗ trợ 42/63 Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn theo từng quận, huyện, thành phố tới từng cơ sở y tế tư nhân trên toàn tỉnh, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024.

Sau chiến dịch tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật, đã có 35/63 Sở Y tế ban hành các văn bản thúc giục yêu cầu cơ sở thực hiện triển khai liên thông đơn thuốc (công lập và tư nhân).

Theo các báo cáo thống kê từ Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 136 triệu đơn thuốc được liên thông (tính từ thời điểm 2019), hơn 19.000 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp mã; hơn 103.000 bác sĩ được cấp mã nhưng mới chỉ có hơn 8.000 cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc.

Hiện trên toàn quốc mới chỉ có 986 bệnh viện công lập và tư nhân đã đang thực hiện liên thông đơn thuốc trên tổng số 1.447 viện. Số còn lại đã từng liên thông rồi tạm dừng hoặc chưa hề liên thông đơn theo quy định (773 công lập, 213 tư nhân) là 68%.

Trên toàn quốc số viện chưa thực hiện khai liên thông đơn thuốc vẫn còn rất lớn, khoảng 461 bệnh viện, tương đương 32% đơn vị chưa triển khai.

Cũng theo con số báo cáo, chỉ có 5.029/11.007 trạm y tế liên thông đơn thuốc, chiếm 46%; còn 5.978 trạm y tế chưa thực hiện khai báo để cấp mã liên thông, chiếm 54%.

Đối với khối cơ sở y tế tư nhân, trong số 47.546 cơ sở trên toàn quốc hiện mới chỉ có 2.458 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc, chỉ đạt 5%. Số cơ sở chưa thực hiện khai báo để cấp mã liên thông là 45.088, chiếm 95% cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân chưa thực hiện đúng quy định của Thông tư 27/2021/TT-BYT.

Hơn 84% cơ sở khám chữa bệnh chưa liên thông đơn thuốc quốc gia ảnh 1

Triển khai tập huấn liên thông đơn thuốc điện tử.

Chậm trễ do đâu?

Theo quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT và Thông tư 04/2022 của Bộ Y tế, ngày 31/12/2022 là hạn cuối cho các bệnh viện từ hạng 3 trở lên liên thông vào hệ thống đơn thuốc quốc gia và bán thuốc theo đơn tại bệnh viện; ngày 30/06/2023 là hạn cuối cho các cơ sở khám, chữa bệnh khác liên thông vào hệ thống đơn thuốc quốc gia; Đồng thời ngày 30/06/2023 là cũng là hạn cuối cho các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện bán thuốc theo đơn kết nối với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của của Bộ Y tế gửi Chính phủ báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị 23/2018/CT-TTg về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, tính tổng số cơ sở khám, chữa bệnh các loại hình đã thực hiện liên thông đơn thuốc mới chỉ đạt mức hơn 16%.

Như vậy, đến nay đã qua một năm so với quy định của Thông tư, vẫn còn khoảng hơn 80% cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia. Vì thế, người bệnh và các cơ sở bán lẻ thuốc không có đơn thuốc điện tử, mã đơn thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn nhằm quản lý việc bán thuốc kê đơn theo đúng đơn thuốc.

So với quy định tại các Thông tư và các văn bản khác, hiện các cơ sở y tế trên toàn quốc đang triển khai chưa tốt. Số lượng cơ sở liên thông đơn thấp. Số lượng cơ sở đã đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện liên thông vẫn cao. Số cơ sở liên thông đơn chưa đúng quy định vẫn còn.

“Thực trạng kê đơn thuốc bằng tay, kê đơn không đúng quy định mẫu đơn thuốc của Bộ Y tế vẫn còn. Cơ sở bán lẻ thuốc chưa sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch bán thuốc theo đơn. So sánh số đơn đã bán gửi báo cáo với số đơn đã kê (theo báo cáo của bộ y tế ) ta thấy tỷ lệ vô cùng thấp, chỉ khoảng hơn 1,1%”, đại diện Hội Tin học y tế cho hay.

Phải chăng, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo sát sao việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử và chưa thấy việc này cần thiết dù thực hiện rất đơn giản. Ngay khi các cơ sở y tế còn thấy việc bán thuốc theo đơn còn xa vời thì người dân sẽ lại tiếp tục "tự làm" bác sĩ, tùy tiện mua thuốc ở các cửa hiệu. Việc mua thuốc không kê đơn đúng mặt bệnh, đúng liều lượng là nguy cơ dẫn đến việc người dân bị nhờn thuốc, kháng kháng sinh, thậm chí là nguy hiểm tính mạng do sử dụng sai cách, quá liều...

Mặc dù còn rất nhiều cơ sở y tế liên thông đơn thuốc chậm trễ, nhưng việc thanh kiểm tra giám sát và tiến tới xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với các cơ sở này này vẫn còn bỏ ngỏ.

Tới thời điểm này, đã quá hạn quy định của TT27/2021/TT-BYT và TT04/2022/TT-BYT nhưng dường như vẫn thiếu các văn bản đạo của Bộ Y tế trong việc triển khai đối với từng Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, việc Bộ Y tế, Sở Y tế thành lập các đoàn thanh kiểm tra đánh giá việc thực thi tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc trong và ngoài công lập, đồng thời, có chế tài xử phạt đơn vị (Nghị định 117/2020/NĐ-CP) để thúc đẩy triển khai đúng quy định chưa thực sự được vận hành. Ngay việc đưa tiêu chí liên thông đơn thuốc thành tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở thường xuyên cũng chưa được thực hiện.

Thiết nghĩ, việc quản lý kê đơn thuốc và để tiến tới bán thuốc kê đơn theo đơn thuốc được xác minh, bảo đảm tránh tái mua nhiều lần trên cùng một đơn thuốc là điều cần thiết nhằm giúp người dân tránh đại dịch nhờn thuốc, đại dịch kháng thuốc đang là thảm họa trên toàn cầu do chính Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo.

Chính phủ cũng rất quan tâm tới việc này nên đã ban hành Chỉ thị 23/2018/CT-TTg về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc và Quyết định 1121/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hy vọng trong thời gian tới, cùng với sự chung sức đồng lòng của ngành y tế, với sự thay đổi về nhận thức của chính người bệnh, việc tiến tới quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn qua đơn thuốc điện tử như quy định sẽ được thực thi quyết liệt và triệt để hơn.