Hơn 60 triệu người được tiếp cận chiến dịch “Hành trình an toàn”

NDO - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức tổng kết chiến dịch “Hành trình an toàn” với khẩu hiệu “Bảo vệ bạn, gia đình và những người bạn thương yêu”.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế phát biểu tại Lễ tổng kết chiến dịch “Hành trình an toàn”.
PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế phát biểu tại Lễ tổng kết chiến dịch “Hành trình an toàn”.

Lễ tổng kết là dịp nhìn lại hành trình 9 tháng trang bị cho công chúng những thông tin chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2022, sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước đồng thời tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh và những biến chủng mới của Covid-19.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người dân để cùng cảnh giác trước những diễn biến của dịch bệnh, chiến dịch “Hành trình an toàn” đã được UNICEF phối hợp Bộ Y tế và WHO phát động vào ngày 7/3/2022, nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm quan trọng của việc tất cả mọi người cùng tuân thủ, thực hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm tiêm vaccine phòng Covid-19.

Phát biểu tại lễ tổng kết, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Sau 9 tháng triển khai, chiến dịch đã đạt được những kết quả ấn tượng trên truyền thông và mạng xã hội, góp phần tích cực vào tiến trình "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ.

Chiến dịch “Hành trình an toàn” đã mang đến những thông tin quan trọng cho người dân ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là những nhóm yếu thế hơn, giúp họ tin tưởng hơn vào sự an toàn của vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong những nỗ lực này.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Cụ thể, các thông điệp của chiến dịch đã trở nên phổ biến và được công chúng tích cực đón nhận, với hơn 60 triệu người tiếp cận nội dung và hơn 5 triệu người tương tác trên Facebook.

PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế đánh giá cao những kết quả tích cực mà Chiến dịch mang lại, nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Kết quả tiêm chủng này có sự đóng góp lớn lao của công tác truyền thông vận động người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn và Chiến dịch này chính là một minh chứng cụ thể.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự chủ động, phối hợp của UNICEF, WHO Việt Nam trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tiêm chủng an toàn.

Hơn 60 triệu người được tiếp cận chiến dịch “Hành trình an toàn” ảnh 1

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bà Rana Flowers phát biểu tại Lễ tổng kết.

UNICEF cũng đánh giá chiến dịch “Hành trình an toàn” đã cung cấp cho người dân những thông tin quan trọng và chính xác về vaccine phòng Covid-19, giúp mọi người hiểu rõ về sự an toàn, cần thiết và hiệu quả của vaccine, đặc biệt là đối với trẻ em.

Chiến dịch cũng nhấn mạnh rằng, trong tình hình mới, để cân bằng giữa một xã hội mở và bảo vệ sức khỏe, người dân vẫn cần 3 điều sau: Đầu tiên, mọi người cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ như rửa tay, đeo khẩu trang trong môi trường có nguy cơ cao; thứ hai, cha mẹ cần bảo đảm con mình được tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản; thứ ba, tất cả người lớn đủ điều kiện được tiêm mũi nhắc lại theo khuyến nghị.

Tính đến ngày 14/12/2022, đã có 265.077.045 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng an toàn, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới.

Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên xấp xỉ 100%, hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm nhắc lại mũi 3, gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 4.

Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mặc dù triển khai tiêm chủng muộn hơn, cũng đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% trẻ được tiêm mũi 2…

Trong chiến dịch, rất nhiều nội dung, bao gồm các video clip ngắn, infographic đã được đăng tải đồng thời trên các trang Facebook của Bộ Y tế (Sức khỏe Việt Nam), UNICEF Việt Nam, WHO Việt Nam, các trang mạng xã hội nổi tiếng với hàng nghìn tới hàng triệu người theo dõi; được những cá nhân có ảnh hưởng lớn như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê, MC Minh Trang, Khang A Tủa, Chảo Yến, MC Hương Giang hỗ trợ lan tỏa đến người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Điều quan trọng là các thông điệp của chiến dịch được dịch sang ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ ký hiệu để tiếp cận nhiều nhóm đối tượng, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật.