Hơn 500 y, bác sĩ tỉnh Thái Bình tham gia chuyên đề đạo đức nghề y thời đại 4.0

NDO - Chiều 24/11, lần đầu tiên Sở Y tế tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đạo đức y tế trong thời đại khoa học công nghệ 4.0”, với sự tham dự của hơn 500 y, bác sĩ tuyến y tế xã, phường, thị trấn cho đến lãnh đạo, trưởng khoa phòng các đơn vị y tế công lập, ngoài công lập và các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về y đức trong thời đại 4.0.
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về y đức trong thời đại 4.0.

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết: Đây được xem như một đợt sinh hoạt chuyên môn rất cần thiết để lực lượng cán bộ y tế toàn ngành tiếp tục rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội nghị chuyên đề, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương trực tiếp truyền đạt cho hơn 500 y, bác sĩ về những thách thức đối với ngành y trong thời đại 4.0; việc nâng cao y đức trong khám, chữa bệnh hiện nay.

Theo Giáo sư Hùng, hai vấn đề mấu chốt trong đạo đức nghề nghiệp là trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sinh mạng người bệnh và không được lợi dụng việc ốm đau của người bệnh để biến thành cơ hội làm giàu bất chính cho bản thân người thầy thuốc.

Bên cạnh đó, không nên nghĩ công nghệ càng cao thì ít có cơ hội vi phạm đạo đức và sự vi phạm sẽ giảm. Trái lại, vi phạm sẽ ngày càng tinh vi hơn, khó nhận diện, dễ che dấu và dễ ngụy biện.

Giáo sư đã phân tích, làm rõ những hệ quả của việc lạm dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Đây là nguyên nhân làm người bệnh thiếu tin tưởng, hoang mang; việc tăng chi phí thông qua lạm dụng kỹ thuật là tác nhân làm nghèo hóa dân và làm mai một tư duy logic của người thầy thuốc, dẫn đến sự tùy tiện.

Cuối cùng, để giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, mỗi y, bác sĩ cần phải giữ thói quen “nhìn, sờ, gõ, nghe”; phải đối chiếu kết quả xét nghiệm với lâm sàng và phải coi mỗi người bệnh là một người thầy.