Hơn 500 bác sĩ, nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2024

Ngày 17/4, Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2024 khai mạc thu hút hơn 500 bác sĩ, nhà khoa học và đại biểu tham dự. Hơn 350 chủ đề y tế đã được trao đổi thảo luận tại Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
TS, BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại hội nghị.
TS, BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm nay diễn ra gồm có phiên toàn thể và 31 phiên chuyên đề. Trong đó, có 14 phiên chuyên đề ngoại khoa, 11 phiên chuyên đề nội khoa, 3 phiên chuyên đề cận lâm sàng và 3 phiên chuyên đề Điều dưỡng được diễn ra song song tại 10 hội trường.

Bên cạnh các phiên chuyên đề thường quy, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trong nước và quốc tế có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong việc tham dự hoạt động khoa học quốc tế, bệnh viện đã tổ chức thêm 6 phiên chuyên đề với 48 báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh tại hội nghị.

PGS, TS, BS Hoàng Anh Vũ, Trưởng đơn vị Sinh học phân tử-di truyền, Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy; Giám đốc Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh với bài báo cáo: "Vai trò của chẩn đoán phân tử trong thực hành lâm sàng" đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

PGS, TS, BS Hoàng Anh Vũ cho biết, hiện nay, cơ chế bệnh sinh ở mức phân tử của nhiều bệnh lý đã được xác định rõ. Nhờ đó, chẩn đoán phân tử trở thành một phần không thể thiếu trong hỗ trợ chẩn đoán, giúp tiên lượng bệnh và tiên đoán đáp ứng với các liệu pháp, nhất là điều trị nhắm trúng đích. Để các chẩn đoán phân tử có tính hữu dụng lâm sàng cao, cần có những chỉ định xét nghiệm hợp lý, lựa chọn mẫu bệnh phẩm và kỹ thuật phù hợp.

Hơn 500 bác sĩ, nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2024 ảnh 1

Tham dự hội nghị có một số bác sĩ của bệnh viện đến từ Nhật Bản và Trung Quốc cùng chia sẻ, trao đổi những phác đồ mới trong chẩn đoán và điều trị.

Báo cáo "Kết quả phẫu thuật nội soi robot cắt thùy điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm: Kinh nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy" của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Bình, Nguyễn Viết Đăng Quang, Trương Cao Nguyên, Vũ Hữu Vĩnh, Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Trong thời gian từ 1/2019 đến 9/2023, đã phẫu thuật nội soi robot điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm cho 78 bệnh nhân. Giới: 28.2% nữ, 71.8% nam. Tuổi trung bình là 61.4 ± 8.7. Trong đó: 33 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I, 45 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II, phẫu thuật nội soi robot cắt thùy phổi và nạo hạch 78 bệnh nhân.

Thời gian phẫu thuật trung bình 3.34 giờ. Tất cả bệnh nhân ra viện tốt, không có tử vong. Thời gian nằm viện sau phẫu thuật trung bình 4,9 ngày. Biến chứng viêm phổi sau phẫu thuật 1 bệnh nhân (1,3 %), dò khí sau mổ 5 bệnh nhân (6,4%); chuyển mổ mở 3 bệnh nhân (3,8 %) do hạch dính mạch máu không bóc tách được.

Kết quả cho thấy, phẫu thuật nội soi robot là phương pháp phẫu thuật an toàn, có thể thực hiện trong bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm. Phẫu thuật nội soi robot với 3 cánh tay giảm chi phí, thích hợp bệnh nhân ốm. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này cần đội ngũ phẫu thuật robot cũng như phẫu thuật viên phụ được huấn luyện tốt.

Với hơn 350 bài báo cáo được chia sẻ bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm chuyên môn từ lý thuyết đến thực hành đã mang lại giá trị cao trong khâu đánh giá, so sánh thực tế kết quả của những mô hình, kỹ thuật đã và đang triển khai hiệu quả tại khu vực: Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc; Huyết học-Truyền máu; Ung thư (hóa trị-xạ trị-Y học hạt nhân); Gan Mật Tụy-U gan...

Hội nghị khoa học thường niên là một trong những hoạt động định kỳ của Bệnh viện Chợ Rẫy được tổ chức hằng năm nhằm cập nhật kiến thức y khoa, kỹ thuật tiên tiến, có giá trị trong chẩn đoán, điều trị góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh.