Hơn 46 tỷ đồng, 78 tấn gạo, 2.700 thùng lương khô được phân bổ tới người dân vùng lũ

NDO -

Ngày 24-10, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, các tỉnh miền trung đã tập trung huy động và phân bổ hàng hóa, trang thiết bị cho người dân bao gồm: 78 tấn gạo, 72.725 thùng mỳ tôm, 7,7 tấn và 2.772 thùng lương khô, 9.996 thùng nước uống, 46,27 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đi cano kiểm tra vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình ngày 22-10. Ảnh: HƯƠNG GIANG.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đi cano kiểm tra vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình ngày 22-10. Ảnh: HƯƠNG GIANG.

Báo cáo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo; 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại, tám máy phát điện.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo QK4, QK5 điều động 8.984 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, 262 phương tiện phối hợp với lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sáu tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tìm kiếm người mất tích, vận chuyển trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, lương thực, thực phẩm và hỗ trợ dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị 10 tấn xúc xích và thịt viên, 2.000 bếp cồn, 400 triệu đồng; xuất cấp 30.000 lít và 20 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; chỉ đạo chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận 4,24 tỷ đồng tiền mặt, 540.000 USD và các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho năm tỉnh với tổng hàng và tiền trị giá 7,697 tỷ đồng.

Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã chỉ đạo khẩn trương khôi phục hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Báo cáo cũng cho biết, sáng 24-10, Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đến các tỉnh miền trung để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tập trung ứng phó với bão số 8.

Các Bộ Giao thông vận tải, Công thương, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 8.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đã có Công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão số 8 và tổ chức các đoàn đi kiểm tra tàu thuyền và phương án ứng phó.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 6 giờ ngày 24-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện còn một tàu cá BĐ 97126/04 lao động của tỉnh Bình Định đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, khu vực tâm bão đã đi qua, chủ tàu báo cáo tàu không bị hỏng máy và vẫn an toàn, giữ liên lạc thường xuyên, đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bốn tàu cá của Quảng Ngãi đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai cho biết, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã thông báo tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc biết thông tin tàu thuyền để hỗ trợ các lực lượng triển khai cứu nạn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo thông vận tải, các tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi có tổng số 525 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các khu vực cảng biển.

Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung