Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư cho biết: Khai bút đầu xuân là việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Đây cũng là dịp tỏ lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt.
Học sinh các trường phổ thông đến xin chữ đầu năm. |
Lễ khai bút đầu xuân được tổ chức tại Tòa tam quan ngoại được bắt đầu bằng lễ thượng 2 bức chữ nho "Nam Thiên Thánh Tổ và Lý Triều Quốc Sư" và 2 bức quốc ngữ "Quốc Thái Dân An và Phong Điều Vũ Thuận".
Tiếp đó, huyện Vũ Thư tôn vinh, tặng quà cho 34 học sinh giỏi cấp tỉnh và tiến hành khai bút tặng chữ đầu năm mới Giáp Thìn 2024.
Khen thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh trong Lễ khai bút đầu xuân. |
Trong ngày thứ 2 tổ chức Lễ hội chùa Keo, thời tiết thuận hòa, cho nên có rất đông du khách gần xa đến vãn cảnh, dâng hương lễ Phật Thánh.
Mỗi năm, việc tổ chức lễ hội ngày càng quy củ, nền nếp, nhất là giữ gìn nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của cha ông từ bao năm lưu truyền.
Lễ hội chùa Keo mùa xuân thu hút rất đông du khách gần xa. |
Chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây còn bảo tồn gần như nguyên vẹn nét kiến trúc Việt cổ với những mái đình uốn cong mềm mại, các cột gỗ lim nghiêm ngắn, mái lợp ngói ta.
Điểm nhấn của Khu di tích chính là Tòa gác chuông chồng diêm làm hoàn toàn bằng gỗ. Từ lâu, đây trở thành biểu tượng văn hóa của quê lúa Thái Bình.
Thời tiết thuận hòa, người dân du xuân chùa Keo đông hơn các năm trước. |
Hằng năm, chùa Keo diễn ra 2 lễ hội gồm: Lễ hội mùa xuân và mùa thu. Trong lễ hội thường diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động văn hóa mang đậm nét vùng châu thổ sông Hồng.
Trong tương lai, huyện Vũ Thư xây dựng điểm tuyến du lịch kết nối với làng vườn Bách Thuận; du lịch trải nghiệm làng nghề trồng dâu, nuôi tằm xã Hồng Phong; quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những món quà lưu niệm, sản phẩm OCOP.