Theo số liệu Đại học John Hopkins (Mỹ) thu thập, thế giới đã ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong do Covid-19 trong chưa đầy sáu tháng đầu năm nay, vượt tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020.
Trong lúc Mỹ, Anh, Canada đều ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 ngày càng giảm thì đại dịch lại bùng lên ở một số khu vực châu Á và Mỹ Latinh.
Theo giới chuyên gia, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng có nguy cơ đại dịch bùng phát lại bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là số ca tử vong trung bình trong bảy ngày trên toàn cầu trong những tuần vừa qua có xu hướng giảm xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày. Cuối tháng 1 vừa qua, các nước trên thế giới ghi nhận trung bình mỗi ngày có tới hơn 14 nghìn ca tử vong do Covid-19.
Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong lại xảy ra ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine không đồng đều ở các nước đang khiến tình hình kiểm soát đại dịch trên toàn cầu ngày càng khác biệt. Theo số liệu của Our World in Data, chỉ khoảng 2% người dân châu Phi và 6% người dân châu Á đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 40% dân số và Mỹ đã tiêm xong cho hơn một nửa dân số.
G7 cam kết chia sẻ một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19
Trước khi tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-6 thông báo, nhóm này sẽ đưa ra cam kết chia sẻ ít nhất một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới. Trong đó, một nửa số vaccine này sẽ do Mỹ tài trợ, Anh cam kết cung cấp 100 triệu liều.
Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo, năm triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Anh sẽ được phân phối trong tuần tới, số vaccine còn lại sẽ được chia sẻ trong năm 2022.
"Tại Hội nghị cấp cao G7, tôi hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra cam kết tương tự, khi sát cánh bên nhau, chúng ta có thể tiêm chủng cho người dân trên thế giới vào cuối năm nay và xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch", ông Johnson cho biết trong một thông cáo.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hoan nghênh cam kết chia sẻ vaccine của Mỹ và khẳng định châu Âu cũng sẽ có hành động tương tự. Ông Macron cho biết, Pháp sẽ chia sẻ ít nhất 30 triệu liều vaccine cho toàn thế giới vào cuối năm nay.
Mỹ ban hành hướng dẫn nhân viên chính phủ trước khi trở lại công sở
Tại quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố một hướng dẫn đối với các nhân viên chính phủ. Theo đó, họ không cần phải được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc khai báo tình trạng tiêm chủng trước khi trở lại công sở.
Hướng dẫn trên nhấn mạnh, các nhân viên có thể tự nguyện khai báo thông tin liên quan và các cơ quan liên bang có thể căn cứ một phần vào hồ sơ an toàn của họ để xác định họ đã được tiêm chủng hay chưa.
Trong một văn bản dài 20 trang, lãnh đạo của các cơ quan giám sát lực lượng lao động liên bang cũng kêu gọi các bang xem xét bố trí linh hoạt hơn đối với một số nhân viên, bao gồm những nhân viên làm việc bán thời gian cố định từ xa và làm việc ngoài giờ hành chính.
Hướng dẫn nêu trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhân viên Chính phủ Mỹ làm việc từ xa do đại dịch Covid-19 đang chuẩn bị trở lại công sở. Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố một quy định khẩn cấp về việc bảo vệ người lao động tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 11-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 175.601.394 ca mắc, 3.788.153 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.274.362 ca mắc, 613.898 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.273.338 ca mắc, 363.097 ca tử vong
3. Brazil: 17.215.159 ca mắc, 482.135 ca tử vong
4. Pháp: 5.729.967 ca mắc, 110.270 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.313.098 ca mắc, 48.524 ca tử vong