Mới khoảng 91% sinh viên đại học tham gia bảo hiểm y tế
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay, tính đến thời điểm 30-9-2020, cả nước có 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số.
Cụ thể, theo thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 học sinh - sinh viên (HSSV) đang tham gia BHYT. Trong số này có 13.202.677 HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4.915.092 HSSV tham gia theo đối tượng khác. Đó là các đối tượng như: thuộc hộ nghèo, thân nhân của quân nhân, công an được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng 100%, người thuộc hộ cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70%....
Đây là thông tin được bà Hạnh chia sẻ từ chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân” do Báo Nhân Dân phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức.
Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh - sinh viên (HSSV) tham gia BHYT trên cả nước đạt 95,2%, tăng 1% so với năm học 2018-2019.
Trong đó, khối học sinh phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (97,7%).
Tiếp đến là khối đại học (91,4%). Khối cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn, đặc biệt là đối với những sinh viên từ năm thứ 2 trở đi.
Bà Đinh Mai Hạnh cũng nhấn mạnh, nhóm đối tượng HSSV được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT theo Nghị định 146 của Chính phủ, nhưng ngoài mức hỗ trợ trên, các địa phương cũng sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ HSSV.
Trong năm 2019, 14 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kạn, Bình Dương, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc, đã hỗ trợ thêm mức đóng cho HSSV trên địa bàn từ 5% đến 20% (ngoài mức đóng 30% đã được hỗ trợ theo quy định).
Đặc biệt tỉnh Hà Giang, ngân sách địa phương đã hỗ trợ hết toàn bộ phần phải đóng của đối tượng HSSV.
Ngoài các hỗ trợ của ngân sách Trung ương, địa phương, các tỉnh, thành phố cũng tích cực huy động thêm các nguồn khác để hỗ trợ BHYT cho HSSV.
Một số địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT còn thấp như Quảng Trị, Quảng Ngãi. Đây là những tỉnh còn nghèo, có tỷ lệ tham gia BHYT của khối cao đẳng, đại học, và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thấp, dưới 50%.
Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT không cao tại một số địa phương làm ảnh hưởng tới chỉ tiêu tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT của cả nước nói chung và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi được chăm sóc BHYT và khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các em HSSV không có thẻ BHYT. Nếu HSSV không có thẻ BHYT chẳng may bị tai nạn hay mắc bệnh nặng, chi phí chữa bệnh rất lớn, nếu rơi vào gia đình khó khăn sẽ dẫn đến kinh tế kiệt quệ vì chữa bệnh, rồi ảnh hưởng đến tính mạng.
Nếu tăng lương cơ sở, học sinh - sinh viên sẽ không bị truy thu theo mức lương mới
Bà Đinh Mai Hạnh cho biết thêm, do năm 2021, Nhà nước không tăng lương cơ sở, cho nên mức đóng BHYT HSSV năm học 2020-2021 không thay đổi, vẫn là 4,5% mức lương cơ sở hiện tại, 1.490.000 đồng. Cụ thể, số tiền mỗi em phải đóng là 804.600 đồng/năm, trong đó NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% là 241.380 đồng/ năm, HSSV đóng tối đa 70% là 563.220 đồng/năm.
Giả sử HSSV đã đóng BHYT cho năm học từ tháng 10-2020 đến hết tháng 9-2021, nếu Nhà nước tăng lương cơ sở vào tháng 7-2021, các em cũng sẽ không bị truy thu theo mức lương mới.
Bởi theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, trường hợp trong năm, Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở thì đối tượng và NSNN không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.