Hơn 142 nghìn tỷ đồng đăng ký đầu tư dự án vào tỉnh Lâm Đồng

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức, địa phương đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 12 nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp.

Tổng số vốn các tập đoàn, doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Lâm Đồng là hơn 142 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, các tập đoàn, doanh nghiệp cho thấy sự quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực: Thương mại, bất động sản, công nghiệp, chế biến sâu; lĩnh vực hạ tầng, du lịch; khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển đô thị mới, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, nhà ở xã hội cho công nhân…

Tỉnh Lâm Đồng công bố danh sách 227 dự án ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó có 62 dự án khu dân cư, đô thị; 36 dự án lĩnh vực giao thông vận tải, 36 dự án lĩnh vực y tế, 34 dự án văn hóa-thể thao-du lịch, 20 dự án thương mại dịch vụ, 12 dự án phát triển nông nghiệp, 11 dự án công nghiệp, 3 dự án bảo vệ môi trường…

Tín dụng chính sách tiếp sức cho hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo ở Đắk Lắk

Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn này đã giúp hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 14.943 tỷ đồng.

Nguồn vốn đã tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh; đồng thời góp phần hoàn thành 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 9,15% và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn...

Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” tại Kon Tum

Hơn 142 nghìn tỷ đồng đăng ký đầu tư dự án vào tỉnh Lâm Đồng ảnh 1

Ban tổ chức chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” trao 400 phần quà tặng các học sinh.

Ban tổ chức chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” vừa tổ chức trao tặng các nguồn lực hỗ trợ xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum gồm: 1 ngôi nhà nhân ái cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; 1 công trình thanh niên-tuyến đường “Thắp sáng đường quê” với 25 bóng đèn năng lượng mặt trời; 50 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 400 phần quà cho học sinh và 100 bộ đồ ấm; 50 máy đo đường huyết và 100 tuýp dầu nóng cho Tỉnh đoàn Kon Tum… với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng.

Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đồng Nai tổ chức Tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu cho trẻ em và người dân. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đồng Nai vận động các đơn vị hỗ trợ kính phí xây dựng “nhà nhân ái” cho một hộ gia đình khó khăn trị giá 70 triệu đồng.

Đắk Nông tạo việc làm cho gần 58 nghìn lao động

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 15 đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Giai đoạn 2021-2023, có 10/82 học viên tốt nghiệp cao đẳng nghề; 2.298/3.000 học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề; 16.810/33.269 học viên tốt nghiệp sơ cấp nghề. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho hơn 27,8 nghìn lượt người; phối hợp các địa phương tổ chức 79 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, với 7.592 lao động tham gia.

Giai đoạn 2021-2023, số lao động được tạo việc làm của tỉnh là 57.583/90.000 lượt người, đạt 63,98% kế hoạch. Trong đó, lao động làm việc trong nước hơn 56 nghìn người, làm việc nước ngoài hơn 1.200 người.

Gia Lai nỗ lực nâng cao các chỉ số của tỉnh năm 2024

Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Gia Lai xếp vị trí thứ 58/63; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 19/63, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị trí 51/61 so với cả nước.

Nhằm nâng cao các chỉ số của tỉnh năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương trực thuộc chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; thực hiện nghiêm việc cập nhật, lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính vào hệ thống một cửa điện tử của tỉnh theo quy định; đồng thời yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt tại các lĩnh vực được theo dõi, phụ trách, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức hằng năm.