Ngày 11/8, tại Hải Phòng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức ngày hội chung tay vì sự sống; phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng; hưởng ứng ngày hiến tạng thế giới 13/8 và tri ân người hiến tặng mô, tạng.
Theo Ban tổ chức, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục.
Hiện nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Hằng năm, trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm. Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép gan, thận, tim…
Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Đại diện gia đình được ghép thận phát biểu cảm ơn. |
Anh Đặng Văn Hải là anh họ của người bệnh Nguyễn Duy Nhất, 27 tuổi, quê Thái Thụy (Thái Bình) vừa được ghép thận thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp gửi lời biết ơn và cảm ơn sâu sắc đội ngũ y, bác sĩ đã mang phép màu đến với Nhất.
Hải cho biết, bố của em Nhất chính là người hiến thận cứu em. Với kỹ thuật hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi, ca ghép thận của Nhất đã thành công.
Hiện nay, sức khỏe của cả hai bố, con Nhất dần ổn định, đi lại, ăn uống bình thường. Nhất đang ở Thái Bình, thi thoảng lên Bệnh viện Việt Đức kiểm tra định kỳ.
Phát biểu ý kiến tại lễ phát động, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Nguyễn Quang Tập cho biết, hiến mô, tạng để cứu giúp người bệnh là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp vận động người dân hiến mô, tạng. |
Với thông điệp đầy yêu thương trong cuộc sống: “Cho đi là còn mãi…”, hàng chục nghìn người trên cả nước đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng để cứu người.
Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, đến nay trên cả nước đã tiếp nhận được hơn 76.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau chết, chết não và có khoảng hơn 7.000 người được sống cuộc đời thứ 2 sau khi được ghép thành công.
Với mục tiêu đoàn kết, thống nhất cùng vận động mọi người dân và xã hội tự nguyện đăng ký hiến và hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau chết não vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh.
Một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác, bởi vậy việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.
Người có nhu cầu đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết, chết não, có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất đăng ký theo mẫu của Trung tâm điều phối ghép tạng. Cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, tạng Việt Nam cho biết, trên thế giới, tỷ lệ người bệnh được ghép từ nguồn cho chết não rất lớn.
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam phát biểu ý kiến. |
Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ đó lại trái ngược, người bệnh được ghép từ nguồn tạng hiến từ người chết não lại ít hơn từ nguồn hiến sống bởi rào cản từ nhiều lý do như: Quan điểm xã hội, quan điểm tôn giáo.
Hy vọng trong thời gian tới, ngành y tế sẽ được tiếp nhận nhiều hơn những tấm lòng nhân ái, nhân văn cao cả của những gia đình có người thân chết não, sẵn sàng hiến mô, tạng để người bệnh có hy vọng kéo dài sự sống...
Những người đăng ký hiến mô tạng sáng 11/8/2023/ |
Thống kê của Ban tổ chức, tính đến 10 giờ sáng 11/8/2023, tại Hải Phòng có hơn 1.200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng.