Chương trình nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo chức sắc, chức viên, tín hữu tin lành trên địa bàn Hà Nội.
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền bắc) cho biết: “Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn và chủ động hơn vào sự phát triển bền vững của Hà Nội, cũng như góp phần giải quyết các thách thức, thí dụ như vấn đề môi trường hay bảo vệ sức khỏe cho người dân. Chương trình “Sự sống được tiếp nối” là một trong những hành động cụ thể để bày tỏ tình yêu với thành phố và người dân nơi đây”.
Kết thúc chương trình, có 101 người đăng ký hiến máu, trong đó có 79 người đủ điều kiện hiến 79 đơn vị máu. Đặc biệt cón 79 tín hữu tin lành và người thân đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, sự tham gia tích cực của cộng đồng chức sắc, chức viên, tín hữu tin lành hôm nay đã thể hiện tinh thần nhân ái, trách nhiệm, sống “tốt đời đẹp đạo”. Tinh thần bác ái ấy sẽ tiếp tục được chia sẻ, lan tỏa để cùng hòa chung trong một dòng chảy văn hóa của mỗi người dân Việt Nam, dòng chảy “Văn hóa tận hiến” - Cho đi là còn mãi.
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, đến ngày 16-10, cả nước có 39.503 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Mặt khác, với 19 cơ sở ghép tạng trong cả nước đã thực hiện được 5.225 ca ghép tạng (4.929 ca ghép thận, 244 ca ghép gan, 43 ca ghép tim, một ca ghép khối thận - tụy, môt ca ghép khối tim - phổi, bảy ca ghép phổi và hai ca ghép chi thể).
Dù rằng chúng ta đã làm chủ khoa học kỹ thuật mà đỉnh cao là ghép tạng, nhưng so nhu cầu thực tế, con số được ghép vẫn còn khá khiêm tốn, khi vẫn còn hàng nghìn, chục nghìn người có nhu cầu được ghép nhưng nguồn mô, tạng hiến tặng vẫn còn rất hạn chế. Nhiều người đã chết vì không còn thời gian chờ đợi. Trong khi đó, nhiều người giã từ sự sống bởi tai nạn giao thông, bởi các bệnh lý dẫn tới chết não… đã không được sử dụng mô, tạng để ghép, cứu chữa cho những người bệnh là điều vô cùng đáng tiếc.