UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi thông báo kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh, sau buổi làm việc nghe báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi “Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt”, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, cùng đơn vị, tổ chức liên quan.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng ủng hộ việc nhà đầu tư là Công ty CP Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt quan trọng Tháp Chàm - Đà Lạt để phục vụ phát triển du lịch và kinh tế - xã hội các địa phương trên tuyến. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm đối tác tư vấn uy tín và các chuyên gia Pháp để lập hồ sơ dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, dự án có quy mô quốc gia, với kinh phí hơn 10 nghìn tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, nên thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giao thông vận tải.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị nhà đầu tư tiếp thu ý kiến góp ý của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban PPP và các sở, ngành, địa phương của hai tỉnh để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định.
Đầu máy hơi nước cổ tại ga Đà Lạt hấp dẫn du khách (Ảnh: Mai Văn Bảo).
UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở ngành và địa phương thuộc tỉnh, nghiên cứu kỹ hồ sơ tiền khả thi để tham mưu UBND tỉnh và hỗ trợ nhà đầu tư, đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ; tuyên truyền đến người dân về việc khôi phục tuyến đường sắt này và không tiến hành xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn của tuyến; tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung phạm vi, diện tích đất của tuyến đường sắt vào quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 để làm cơ sở thực hiện…
Theo địa chí Lâm Đồng, tuyến đường sắt có nhiều đoạn răng cưa vượt núi độc đáo này, được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1908. Sau 24 năm, tuyến đường sắt dài 84 km chính thức nối tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt. Tuyến đường sắt tuy chỉ dài 84 km nhưng có tới 34 km đường răng cưa vượt núi, và đi qua bốn hầm dài tổng cộng gần 1.000m, sáu ga chính và ba ga phụ. Sau năm 1975, nhiều đường ray trên tuyến đường sắt này đã phải chuyển để phục vụ cho việc khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất, từ đó, tuyến đường sắt này không còn hoạt động và dần bị phá bỏ.
Hiện, tuyến đường sắt này đã được khôi phục đoạn từ ga Đà Lạt đến Trại Mát, dài khoảng 8 km; cùng với việc tôn tạo, nâng cấp nhà ga Đà Lạt, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, để phục vụ du lịch.