Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Đông đảo nhân dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu
Đông đảo nhân dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…

Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh câu thơ này của thi sĩ Nguyễn Đình Thi. Ám ảnh khi hành quân trên đường Trường Sơn, ám ảnh khi vào trận, ám ảnh ngay cả những khi cuộc chiến đấu trở nên gian nan, tuyệt vọng nhất. Phải chăng đó là sự lãng mạn nằm sâu trong góc khuất tâm hồn của một thế hệ, của những người lính khi nước nhà có biến. Sự lãng mạn được kết tinh từ ngọn gió lịch sử của hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm ào ạt thổi về, sự lãng mạn mang một chút hào khí “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Sự lãng mạn thổi dọc Trường Sơn, thổi vào từng trận đánh, thổi cho ngọn lửa yêu nước được bùng cháy trong những cảnh huống hiểm nghèo nhất. Chính sự lãng mạn này đã lặng lẽ tạo nên khí phách mãnh liệt, sức chịu đựng phi thường, lòng quả cảm lớn lao, ý chí sắt đá, bản sắc văn hóa thẳm sâu trong phẩm chất người lính.

Cuộc chiến thắng hai đế quốc to trong thế kỷ 20 trước hết và trên hết là sự chiến thắng về văn hóa. Điều mà không phải ai cũng hiểu được, điều mà những đội quân xâm lược giàu mạnh nhất hành tinh càng không thể hiểu.

Trường Sơn ngày ấy không chỉ có gầm gào bom đạn, không chỉ có chất ngất đau thương, không chỉ có những khúc tráng ca oanh liệt, Trường Sơn còn có ngọn gió đại ngàn thì thầm, khe khẽ làm lay động những trái tim chiến sĩ, dựng dậy những bước chân đã chùn gân mỏi gối, thổi bùng khát vọng cho đoàn quân mãi không ngừng băng mình về phía trước. Sự lãng mạn là đôi cánh thần kỳ đỡ nâng cho khát vọng làm người, khát vọng tự do độc lập bay lên.

Sự lãng mạn được bắt nguồn từ lòng tự tôn, tự trọng của dân tộc, trong mỗi con người. Mai sau, tất cả có thể sẽ trở thành phôi pha quên lãng nhưng con đường huyền thoại, con đường tình yêu mang tên Trường Sơn này sẽ còn sáng chói mãi trong sử xanh, như biểu tượng sáng ngời của phẩm giá một dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…

Bốn lăm đến bảy lăm! Ba mươi năm!

Có cuộc trường chinh vệ quốc nào dặc dài và khốc liệt như cuộc trường chinh giành lại tự do và độc lập như cuộc chiến tranh này không!?

Có thời đại nào rạng ngời khí phách như thời đại Hồ Chí Minh mà ở đó hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ bỗng nổi lên như một hình tượng đẹp nhất, thân thương nhất trong lòng dân tộc!

Cũng chính họ, cái lãng mạn khôn nguôi đã tạo nên sự bền bỉ thủy chung đến siêu phàm với con đường đã chọn của người cầm súng. Con đường đó đã dẫn đến cổng dinh Độc Lập trong bước chân thần tốc mang tên Đại thắng mùa xuân.

Mùa xuân là mùa yên hàn đẹp nhất của một năm, của một đời người nhưng kỳ lạ làm sao, mùa xuân cũng thường là mùa vang dội chiến công. Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh vào mùa xuân; năm Mậu Thân, cuộc tổng công kích, tổng tiến công buộc Mỹ phải cúi đầu rút quân ra khỏi mảnh đất hình chữ S vào mùa xuân và trận chiến lược cuối cùng thu giang sơn về một mối cũng bắt đầu từ mùa xuân. Đất trời sang xuân và khát vọng thiêng liêng của lịch sử, của con người đã hòa trộn, đã nảy mầm, nương tựa vào nhau trong gió xuân xốn xang và thôi thúc.

Đó không chỉ là khát vọng chiến thắng, khát vọng tự do độc lập mà còn là khát vọng nhân văn nhân tình nghìn năm mong mỏi do tiền nhân để lại.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại…

Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc. Dân tộc Việt Nam, dẫu không muốn, cũng là dân tộc trận mạc. Lịch sử đa đoan, dân tộc đa đoan. Đơn vị đặc công của tôi đóng cách Sài Gòn 15 cây số trong miệt vườn Lái Thiêu ngạt ngào mùi cây trái nhưng phải hành quân hết mười năm trời mới đến nơi. Tức là mỗi năm chỉ đi được một cây số rưỡi. Chỉ có điều đi qua mỗi cây số rưỡi đó là sự hy sinh của hàng trăm đồng đội, một cái giá không hề nhỏ. Như vậy thực chất đây là cuộc hành binh đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn giữa Thành đô.

Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau, nhưng chưa đến lượt chôn mình. Người anh hùng là người cũng sợ chết nhưng biết vượt lên cái sợ chết đó là người anh hùng. Con người sinh ra vốn không bao giờ là một cỗ máy chiến đấu, một rô-bốt chiến binh. Đó là một định nghĩa bằng máu. Đó cũng là một quy luật sống còn. Chiến tranh là một quá trình cắn răng gồng lên để chiến thắng chính mình với tất cả nỗi niềm chiến binh, hy vọng và tuyệt vọng, yếu đuối và can tràng, hào sảng và day dứt để rồi có thể ngẩng cao đầu chiến thắng hoàn cảnh và kẻ thù. Nhất lại là một kẻ thù thuộc loại siêu cường như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thắng một kẻ thù hùng mạnh thì cái thắng đó mới thật sự có giá trị. Thắng một đối phương èo uột thì mọi sự sẽ trở nên giản lược biết chừng nào. Chiến tranh không phải là trò đùa, càng không bao giờ là ngày hội. Chiến tranh là một thử thách sinh tử đối với toàn dân tộc. Biết kiêu hãnh nhìn thẳng vào nó, sẵn sàng đọ sức với nó, bước chân người lính mới không bị chợn dừng, vấp váp.

Hành trình của người lính là hành trình của kiểu dáng những chiếc mũ trên sa trường. Mũ ca-nô đội lệch thời Vệ quốc đoàn kháng Pháp, mũ cối chắc bền thời dựng xây, mũ tai bèo mềm mại cong vênh thời kháng Mỹ và mũ kê-pi hiện đại hôm nay.

Những chiếc mũ đi cùng năm tháng và tạo nên các mốc son lịch sử, các địa danh lẫy lừng. Những chiếc mũ như mang cả dấu vết chiến tranh, cả tinh thần chiến dịch vào mình. Từ Nà Ngần - Phai Khắt đến Biên giới, Đông Khê, Điện Biên Phủ đến Rạch Gầm, Xoài Mút, Playme, Khe Sanh, Đồng Xoài đến Mậu Thân rồi dừng lại ở Sài Gòn, hiên ngang và kiệt sức.

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…

Mẹ Việt Nam. Mẹ Anh hùng! Những đứa con từ biệt mẹ ra đi và có biết bao người con mãi mãi không trở về. Nếu hôm nay về đây đông đủ, Một sư đoàn sẽ hóa mấy sư đoàn (ý thơ Nguyễn Đức Mậu). Nếu ở chiến địa, người lính phải bỏ ra một phần chịu đựng thì ở hậu phương những người mẹ phải bỏ ra hàng nghìn lần hơn. Có nỗi chịu đựng nào ghê gớm hơn là bà mẹ ấy đêm nào cũng hé cửa chờ nghe tiếng bước chân của con trở về nhưng năm này sang năm khác, sức mẹ yếu dần, tóc mẹ bạc hơn nhưng đứa con vẫn không trở về và mãi mãi không trở về. Chính sự hy sinh lớn lao và nhẫn nại khôn cùng ấy đã tạo dựng nên vóc dáng người lính đủ sức đi hết các cánh rừng để tập kết giữa vòng hoa chiến thắng. Mẹ lồng lộng như biển trời, như chỗ dựa tinh thần, điểm tựa tâm linh cho những đứa con đi xa làm nghĩa vụ cả thời loạn. Để rồi trước khi nằm xuống, dù có người yêu hay chưa có người yêu, dù có vợ hay chưa có vợ, hai tiếng cuối cùng bao giờ cũng là hai tiếng MẸ ƠI…

Khát vọng độc lập tự do là một dòng chảy không ngừng nghỉ của dân tộc. Đó là một tài sản vô giá do núi xương sông máu biết bao thế hệ tạo nên mãi dâng trào, chảy xiết cho đến tận bây giờ, mai sau. Để gợi lên một suy nghĩ đinh ninh, chắc chắn rằng, lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, của riêng thế hệ nào. Thế hệ cha anh triển khai lòng yêu nước bằng cách vượt Trường Sơn vào trận, thế hệ hôm nay, non sông đã yên bình, tưởng như không ngó ngàng gì đến truyền thống, đến lịch sử hùng anh, chỉ lo hưởng thụ, nhưng không, các thế hệ đều chung nhau một hạt kim cương trong lồng ngực. Đó là lòng tự trọng, là sự lãng mạn kiêu hùng mà nếu giờ đây có một ai đó, một thế lực nào đó động chạm đến Tổ quốc, đến bàn thờ ông bà, đến phẩm hạnh của dân tộc thì họ cũng sẽ biết cách hành binh ra trận đẹp đẽ, oai hùng như và hơn thế hệ cha anh.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại…

Bởi phía trước người lính còn biết bao dông bão, thác ghềnh đòi hỏi họ phải tiếp bước hành quân và sẵn sàng hy sinh gian khổ có thể nhiều hơn nữa vì chủ quyền bờ cõi non sông, vì cuộc sống ấm êm, hạnh phúc của con người. Cũng là nối tiếp khát vọng tự do độc lập của dân tộc.