Tham dự hội nghị này có các bộ trưởng và các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đạt giải Nobel, L’Oreal-UNESCO, Giải thưởng khoa học trẻ, đại diện các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân từ nhiều nước trên thế giới để trao đổi về vai trò và giá trị của khoa học, các biện pháp thúc đẩy đầu tư cho khoa học cơ bản vì tương lai bền vững.
Trong cuộc Tọa đàm cấp cao về “Vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham gia thảo luận cùng các khách mời là lãnh đạo cấp cao của một số nước thành viên UNESCO, trong đó có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của các nước: Trung Quốc, Cuba, Nam Phi, Nigeria, Honduras và hai nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2012 và 2021.
Chia sẻ về các bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 dẫn tới sự thay đổi mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải mạnh mẽ đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ, khuyến khích thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Cũng trong ngày khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các chủ đề "Tăng cường khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học cho mục tiêu phát triển bền vững", "Vai trò của khoa học cơ bản trong phát triển xã hội" và "Triển vọng của khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững".
Các nhà khoa học đề cập tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong việc giải quyết những thách thức trong quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các nhà khoa học khẳng định đóng góp tích cực hơn nữa cho mục tiêu chung là phát triển bền vững.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, để khoa học cơ bản có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần có hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền các nước, sự nỗ lực rất lớn của từng quốc gia cũng như sự hợp tác tích cực và tin cậy giữa các quốc gia. Ngoài ra, cần có các chính sách thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ để có thể tiếp nối và phát huy những thành tựu khoa học đã có nhằm sớm đạt mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững.
Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt có cuộc làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu của Pháp, dự lễ ký Biên bản ghi nhớ Việt Nam-Pháp về hỗ trợ hợp tác về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ của hai nước.
Năm 2022 được Liên hợp quốc tuyên bố là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học cơ bản trong thúc đẩy tư duy sáng tạo và xã hội tri thức. Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết về Năm khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 (10/2019) và là nước đồng tác giả Nghị quyết A/76/L.12 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (12/2021).