Các tình nguyện viên của Hội Yêu Rác tiến hành dọn dẹp rác thải dưới chân cầu Long Biên sau bão Yagi.
Các tình nguyện viên của Hội Yêu Rác tiến hành dọn dẹp rác thải dưới chân cầu Long Biên sau bão Yagi.

Hội Yêu Rác và hành trình trả lại màu xanh cho bãi giữa sông Hồng

NDO - Được thành lập năm 2017 bởi một nhóm các bạn trẻ, Hội Yêu rác đặt mục tiêu làm sạch môi trường; đồng thời khơi dậy nhận thức trong người dân rằng: Việc bảo vệ hành tinh là trách nhiệm chung của cộng đồng.

Đáng chú ý, sau khi cơn bão Yagi đổ bộ tháng 9/2024, hơn 800 tình nguyện viên của Hội đã đồng loạt ra quân, tổ chức chiến dịch trả lại màu xanh cho sông Hồng.

Nhiệm vụ "bất khả thi" dọn 50 tấn rác dưới chân cầu Long Biên

Một ngày cuối tháng 10/2024, khu vực bãi sông Hồng ngay dưới chân cầu Long Biên lịch sử bỗng rộn vang tiếng người.

Từ sáng sớm, hơn 800 tình nguyện viên của Hội Yêu Rác đã có mặt sẵn sàng, mặc dù trời còn tờ mờ tối. Mưa lắc rắc bay và thời tiết cũng khá lạnh. Chung quanh, đủ thứ rác thải, cành cây khô gẫy bị sóng sông Hồng đánh dạt vào, lấm lem bùn đất.

Hội Yêu Rác và hành trình trả lại màu xanh cho bãi giữa sông Hồng ảnh 1

Các tình nguyện viên "nhí" tham gia dọn rác tại bãi sông Hồng tháng 10/2024.

Ngẩng lên nhìn một lượt, Dương Hồng Ngọc, Hội phó Hội Yêu Rác khẽ thở dài. Cơn bão lịch sử Yagi đã biến bãi giữa thành một... bãi rác khổng lồ. Chất thải sinh hoạt tích tụ bị dồn ứ lại dọc bờ sông và các khu vực lân cận khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nhãn tiền và cấp thiết.

Phải dọn sạch rác, phải trả lại màu xanh cho bãi giữa. Với quyết tâm ấy, Hội Yêu Rác đã quyết định tổ chức một chiến dịch đặc biệt để "tuyên chiến" với núi rác khổng lồ dưới chân cầu Long Biên.

Chị Ngọc cho biết, để chiến dịch diễn ra hiệu quả, ban tổ chức đã tiến hành chuẩn bị từ trước đó hai tuần, lên kế hoạch chi tiết về cách thức thu gom và phân loại rác và điều phối tình nguyện viên.

Hội Yêu Rác cũng đã phối hợp với chính quyền phường Phúc Xá, Quận Đoàn Long Biên cùng 12 đội nhóm sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp.... Để đáp ứng số lượng lớn tình nguyện viên lên đến hơn 800 người, ban tổ chức đã sắp xếp các tuyến đường thu gom, chuẩn bị sẵn bao tay, túi đựng rác, thiết bị bảo hộ…

Hội Yêu Rác và hành trình trả lại màu xanh cho bãi giữa sông Hồng ảnh 2

800 tình nguyện viên đồng loạt ra quân tạo nên một khung cảnh chưa từng có tại Long Biên.

Theo chị Hồng Ngọc, ban đầu, mục tiêu của Hội kêu gọi khoảng 300 tình nguyện viên, nhưng với sức hút mạnh mẽ và sự đồng lòng của cộng đồng, con số tham gia đã tăng lên… gấp ba. Trong ngày ra quân, hình ảnh hàng trăm tình nguyện viên xếp hàng dọc bờ sông để thu gom rác đã tạo nên một khung cảnh đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.

Việc thu gom lượng lớn rác thải và xử lý sao cho hiệu quả, thân thiện với môi trường là một thách thức không nhỏ, buộc ban tổ chức phải tính toán kỹ lưỡng về cách phân loại và vận chuyển rác đến nơi xử lý.

Mặc dù vậy, chiến dịch hồi cuối tháng 10 cũng gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là khối lượng rác quá lớn sau bão. Việc thu gom lượng lớn rác thải và xử lý sao cho hiệu quả, thân thiện với môi trường là một thách thức không nhỏ, buộc ban tổ chức phải tính toán kỹ lưỡng về cách phân loại và vận chuyển rác đến nơi xử lý. Hội cũng phải cũng phải bảo đảm an toàn và sức khỏe cho các tình nguyện viên khi làm việc trong môi trường có nhiều rác thải ô nhiễm.

Để vượt qua những thách thức, Hội Yêu Rác đã tận dụng sự trợ giúp từ cộng đồng địa phương và các đơn vị hỗ trợ, đồng thời sử dụng các dụng cụ bảo hộ và thiết bị làm sạch hiện đại. Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng và quyết tâm, mọi người đã cùng nhau biến một ngày đầy thử thách thành một dấu ấn đẹp trên tinh thần tình nguyện.

Kết thúc chiến dịch, hơn 50 tấn rác thải đã được thu gom, bao gồm nhiều loại rác thải nhựa, vật liệu xây dựng và các mảnh vụn do bão cuốn trôi. Cảnh quan thoáng đãng và sạch sẽ càng mang lại động lực to lớn cho Hội, khích lệ các thành viên của Hội tiếp tục giữ gìn không gian sống xanh, sạch đẹp.

Khơi dậy ý thức chung vì môi trường

Chia sẻ với phóng viên, chị Dương Hồng Ngọc khẳng định: Một trong những mục tiêu hàng đầu của Hội Yêu Rác là muốn khơi dậy nhận thức trong mỗi người dân rằng việc bảo vệ hành tinh này là trách nhiệm chung.

Theo đó, các thành viên chỉ cần bắt đầu bằng những hành động rất nhỏ như nhặt một mẩu rác, sử dụng túi vải thay thế túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó mang lại những thay đổi tích cực và bền vững.

Slogan 'Người Việt Nam không xả rác' được chọn làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Hội.

Chị Dương Hồng Ngọc - Hội phó Hội Yêu Rác

Với tư duy cởi mở và hòa nhập, Hội Yêu Rác đã trở thành nơi hội tụ của những con người cùng chí hướng, từ học sinh, sinh viên, người đi làm tới người lớn tuổi. Môi trường Hội đề cao tinh thần đoàn kết, không phân biệt lứa tuổi hay ngành nghề, tạo điều kiện để mọi người đều có thể tham gia bảo vệ môi trường.

Các thành viên của Hội không chỉ được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường mà còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động thiết thực như dọn rác, trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường xanh sạch đẹp.

Hội Yêu Rác và hành trình trả lại màu xanh cho bãi giữa sông Hồng ảnh 3

Các thành viên Hội Yêu Rác trong hoạt động dọn sạch bãi sông Hồng tháng 10/2024.

Thông qua các hoạt động, Hội đã kết nối những cá nhân có chung lý tưởng, xây dựng nên một cộng đồng bảo vệ môi trường đầy gắn kết, nơi mà mọi người đều cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ trái đất.

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Hội Yêu Rác đã tiến hành nhiều hoạt động thu gom rác thải quy mô trên cả nước, từ các khu đô thị đông đúc đến những vùng quê xa xôi.

Một trong những dự án nổi bật gần đây là “Clean Day 2023”, diễn ra đồng loạt tại nhiều tỉnh thành với khoảng 2.000 tình nguyện viên tham gia. Chiến dịch nhằm xóa bỏ những điểm nóng ô nhiễm rác thải tại các khu vực công cộng, khích lệ người dân ở mọi lứa tuổi chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Hội Yêu Rác và hành trình trả lại màu xanh cho bãi giữa sông Hồng ảnh 4

Các thành viên Hội Yêu Rác trong hoạt động dọn sạch bãi sông Hồng tháng 10/2024.

Hội không chỉ thu gom rác mà còn thực hiện phân loại và xử lý rác một cách khoa học: chôn lấp rác hữu cơ, gửi các loại rác khác đến các công ty môi trường địa phương. Ngoài các chiến dịch lớn tại thành phố, Hội Yêu Rác còn có những dự án cải tạo môi trường sống dài hạn tại ngoại thành, vùng thôn quê.

Bên cạnh dọn dẹp rác thải, Hội Yêu Rác còn triển khai các dự án đắp đường, trồng cây xanh nhằm phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái. Các đợt trồng cây được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của các tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi (trung bình 50-70 người tham gia một hoạt động), không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn đóng góp vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học.

"Từ ý thức cá nhân đi đến hành động tập thể chính là cốt lõi chính trong hoạt động của chúng tôi. Slogan 'Người Việt Nam không xả rác' được chọn làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Hội", Hội phó Hội Yêu Rác thông tin thêm.

back to top