Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, một số tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh để tìm kiếm nguồn thu. Một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, nhiều tờ báo có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng. Việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sứ mệnh người cầm bút.
Tham luận của Hội Nhà báo Hà Nội nhấn mạnh, điều cơ bản nhất là làm sao đổi mới suy nghĩ, tư duy, nhận thức của hội viên, từ đó sẽ có những hành động, việc làm hữu hiệu, nhân văn. Nhà báo Vũ Xuân Chường, Tổng Biên tập báo Phú Thọ, cho rằng, vấn đề đặt ra hiện này là những người làm báo cần tăng cường hơn nữa lòng tự trọng, rèn luyện đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí.
Tham luận của Ban Biên tập báo Bắc Giang khẳng định, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa các khâu, quy trình xuất bản, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng tác phẩm. Đặc biệt, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa đòi hỏi sự đề cao, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, chính đội ngũ này là tấm gương sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và truyền nhiệt huyết tới mỗi cá nhân, chung tay góp sức xây dựng môi trường văn hóa.
Các đại biểu dự hội thảo đã nghiên cứu và lắng nghe 17 tham luận của hội nhà báo các tỉnh đề xuất các giải pháp, các kiến nghị nhằm hiện thực hóa phong trào xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phát động.