Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay”

NDO -

Sáng 15/4, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay” nhân kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh, 190 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long…Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm. Hội thảo đã thu hút 86 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương. 

Quang cảnh Hội thảo khoa học. (Ảnh: BÁ DŨNG)
Quang cảnh Hội thảo khoa học. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Long Hồ dinh là vùng đất được lịch sử ghi nhận qua quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn và lưu dân người Việt vào khai hoang, lập làng. Tháng 4 năm Nhâm Tý (1732), vị chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn - Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú đã chính thức thiết lập đơn vị hành chính mới là châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, thuộc phủ Gia Định của nhà nước Đại Việt. Trải qua các thời kỳ lịch sử kể từ khi dinh Long Hồ được thành lập qua nhiều lần di dời lỵ sở, thay đổi địa giới hành chính và tên gọi. Đến năm 1832 danh xưng tỉnh Vĩnh Long chính thức ra đời với vai trò là đơn vị hành chính - một trong sáu tỉnh của Nam kỳ.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất này có 3 lần sáp nhập, chia cắt địa giới hành chính, với tên gọi khác nhau, như: tỉnh Vĩnh Trà, tỉnh Cửu Long và đến năm 1992 tỉnh Vĩnh Long được tái lập cho đến ngày nay.

Hội thảo khoa học “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay” -0
Di tích Cây Đa cửa hữu của thành Long Hồ tạo lạc tại phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: BÁ DŨNG)  

Vĩnh Long là vùng đất “địa linh nhân kiệt”; nơi sản sinh cho đất nước nhiều anh hùng kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, trí thức, lãnh tụ cách mạng, làm rạng danh quê hương, đất nước, tiêu biểu, như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng; Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, cùng nhiều vị lão thành cách mạng khác.

Trải qua 190 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Long đã xây đắp, gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đậm đà, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, phấn đấu vươn lên.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cho biết: “Từ nội dung qua các bài viết của các tác giả tham gia hội thảo và các tham luận trực tiếp, chúng ta có thể đi đến khẳng định: Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Hồ dinh là một xu hướng tất yếu, một tiến trình phù hợp với quy luật của lịch sử.

Vùng đất phương Nam của nước ta hiện nay được hình thành trên cơ sở của vương quốc Phù Nam được hình thành vào những thế kỷ đầu công nguyên. Sau đó vương quốc này suy yếu và bị Chân Lạp thôn tính, tuy nhiên do tập tính sinh hoạt và đời sống kinh tế của nhân dân Chân Lạp chưa thật phù hợp với vùng đất mới cùng với những biến động chính trị của triều đình Chân Lạp nên vùng đất này được khai thác rất hạn chế, gần như là một khu vực hoang vu, nê địa.

Về sau, do nhu cầu kinh tế, ảnh hưởng của chiến tranh, tranh giành quyền lực và một số lý do khác dần dần những lưu dân người Việt, người Hoa, Chăm, người Khơ-me đã đến khai thác, định cư và sinh sống ở vùng đất này ngày càng nhiều, biến một miền đất hoang vu thành những xóm làng với những hoạt động sản xuất, buôn bán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Đây là những tiền đề quan trọng để các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đối với vùng đất này bằng việc cho thành lập dinh Long Hồ vào năm 1732”.