Thông qua chương trình này, đặc biệt với sự tham gia của các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, Ban tổ chức mong muốn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố.
Với ý nghĩa đó, Hội thảo thu hút sự tham gia gần 1.000 người là các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, giảng viên, sinh viên của nhiều trường đại học.
Trong đó, có sự góp mặt của bà Judy Koh (Hiệu trưởng Trường Creative Culinarie, thành viên Hiệp hội bánh mì và bánh ngọt châu Á), ông Gunther Koerffer (Chủ tịch Liên đoàn bánh mì và bánh ngọt thế giới), ông Trần Lê Thanh Thiện (Đại sứ gia vị, siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam), ông Lý Sanh (Nghệ nhân ẩm thực Việt Nam, Cố vấn Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam)…
Tại Hội thảo, các khách mời trình bày tham luận theo 4 chủ đề: “Lịch sử bánh mì Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa”; “Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mì Việt”; “Bánh mì Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu”; “Sức hút, hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới”.
Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên mong muốn Hội thảo lần này ngoài việc góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, còn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực quốc tế và trong nước để trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến tiến trình lịch sử bánh mì Việt Nam - hành trình giao thoa văn hóa, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so bánh mì các nước trên thế giới.