Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu”

NDO - Sáng 31/12, Hội đồng biên soạn dự án sách “Con đường tương lai” và dự án sách “Thuật bút Xuân Cầu” đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho hai dự án sách kể trên.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

"Con đường tương lai" sẽ là cuốn sách chắt lọc tất cả kiến thức của nhân loại ở các lĩnh vực chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, từ đó đưa ra những dự báo, những định hướng, giải pháp, phát triển bền vững và lâu dài không chỉ cho mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp mà còn là sự phát triển trường tồn của dân tộc, của đất nước.

Cuốn sách cũng làm nổi bật thêm giá trị tôn giáo, tín ngưỡng qua đó bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.

Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu” ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chủ trì hội thảo.

"Thuật bút Xuân Cầu" là một tập sách về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, tác phẩm văn thơ, hình ảnh, tác phẩm tranh, điêu khắc,… của vùng đất Xuân Cầu-Văn Giang-Hưng Yên.

Cả 2 cuốn sách có dung lượng hơn 500 trang với hàm lượng thông tin, kiến thức dày đặc từ cổ tới kim, từ đông sang tây.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà sử học, dịch giả…

Với tinh thần cầu thị, hội đồng biên soạn đã dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Cầm trên tay bản thảo của 2 cuốn sách, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ cũng như đóng góp cho Hội đồng biên soạn.

Các đại biểu đều thống nhất quan điểm cho rằng, cả 2 cuốn sách cần được bố cục lại. Bởi với hàm lượng thông tin, kiến thức rất nhiều nhưng dường như lại chưa ăn khớp với nhau. Trong khi đó sự sắp xếp chưa làm nổi bật được đâu là linh hồn, là phần chủ đạo của cuốn sách.

Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch Đinh Xuân Phong nhấn mạnh: Đứng ở vai trò là người làm xuất bản tôi thấy bố cục và nội dung mà dự thảo sách “Con đường tương lai” đưa ra đang khá “thập cẩm”.

Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu” ảnh 3

Các đại biểu chăm chú nghiên cứu các bản thảo.

Trong khi đó, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người lần thứ 3 được mời tham dự đóng góp ý kiến cho dự thảo sách “Con đường tương lai”, nhấn mạnh: “Bản thảo cuốn sách chưa đạt đến tầm cỡ thật sâu sắc, thật thấu đáo, thật kỹ lưỡng, thật uyên bác. Tôi tha thiết đề nghị phải có một hội đồng để thẩm định sách “Con đường tương lai” để đánh giá, nhận xét, đề nghị và yêu cầu sửa chữa toàn bộ cuốn sách”.

Dành nhiều thời gian hơn cho dự án sách "Thuật bút Xuân Cầu", các đại biểu cũng bàn luận kỹ lưỡng về tên gọi của sách, cách thức trình bày, thông tin truyền đạt... Tất cả các vấn đề đều được mổ xẻ thẳng thắn, với những góc nhìn đa chiều.

Đặc biệt, các đại biểu tham dự đều nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử, sự đặc biệt của làng Xuân Cầu chưa thấy sách nêu bật. Trong khi đó nhiều nội dung còn lan man thậm chí là không cần thiết.

Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu” ảnh 4

Nhà văn Hữu Ước phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước tâm huyết chia sẻ: Phần đầu của cuốn sách phải nêu bật được đặc điểm làng Xuân Cầu với những danh nhân hào kiệt. Đây được coi là phần “hạt nổ” của cuốn sách, từ đó mới đi sang các lĩnh vực khác.

Nói về bố cục của cuốn sách, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch Đinh Xuân Phong đề nghị nên bố cục theo từng chương hoặc từng tập trong đó nên đi theo tuyến thời gian từ xưa đến nay, từ quá khứ đến hiện tại, từ đó mới thấy được văn hóa làng xã như thế nào, cũng như sự đặc biệt của làng Xuân Cầu.

Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu” ảnh 5

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ những thông tin về nguồn gốc của làng Xuân Cầu.

Là người "quần thảo" hàng nửa thế kỷ tại làng Xuân Cầu, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan khẳng định, dự án sách "Thuật bút Xuân Cầu" còn thiếu một phần hết sức quan trọng chưa nhắc tới đó là lịch sử thú vị của ngôi làng. Một ngôi làng được người Trung Hoa từ thời nhà Đường đưa dân sang để nhằm ý đồ đồng hóa người Việt nhưng cuối cùng chính họ lại bị người dân Việt đồng hóa lại.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan cũng cần phải có lý giải cụ thể hơn về tên gọi của làng, với những lần đổi tên và ý nghĩa để từ đó thấy được tầm vóc của ngôi làng là như thế nào.

Hội thảo dự án sách “Con đường tương lai” và “Thuật bút Xuân Cầu” ảnh 6

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Với sự đóng góp thẳng thắn của các đại biểu, Hội đồng biên soạn khẳng định đã mở một lối ra tích cực cho cả hai cuốn sách. Bằng tinh thần cầu thị, Hội đồng tiếp thu toàn bộ đóng góp để mang đến những cuốn sách không chỉ đúng về lịch sử, hàm lượng kiến thức cao mà còn mang lại những giá trị tinh thần to lớn cho độc giả.