Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, hội ngôn ngữ và các trường cao đẳng, đại học trong nước.
Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến, chữ Quốc ngữ đã trở thành tinh thần, linh hồn của dân tộc Việt. Hội thảo lần này đã quy tụ hơn 100 bài tham luận tập trung phân tích trên tinh thần xây dựng với kỳ vọng cải tiến tốt hơn nữa để tiếng nói, chữ viết của dân tộc có vị trí xứng tầm trong tương quan với các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu và khoa học, hiện, việc viết không thống nhất, không đúng chính tả và hiện tượng sử dụng chữ viết lệch chuẩn khá phổ biến không chỉ trong nhà trường, mà còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Từ thực tế trên, hội thảo đã tập trung thảo luận về chữ Quốc ngữ và các vấn đề ghi tiếng Việt trong các văn bản chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu; tình hình nghiên cứu các văn bản Quốc ngữ cổ; những đóng góp vào văn hóa Việt Nam của chữ Quốc ngữ qua các thời kỳ và tiến trình hiệu chỉnh chữ Quốc ngữ qua bốn thế kỷ; xây dựng chuẩn mực chữ viết và việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua chữ viết, nhằm góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa… sẽ một lần nữa khẳng định chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ trong vai trò làm văn tự chính thức của người Việt.
Đồng thời, nhằm đánh giá lại những đóng góp to lớn của chữ Quốc ngữ đối với tiếng nói và văn hóa Việt; tìm kiếm sự thống nhất ý kiến về các vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ và giữ gìn bản sắc tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập.
Một sự ngẫu nhiên và thú vị là đầu thế kỷ XVII, cùng với khoảng thời gian khai sinh chữ Quốc ngữ, tỉnh Phú Yên, năm 1611 được xác định là thời điểm thành lập gắn liền với đặc tiến Phụ quốc tướng quân – Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người có công khai phá vùng đất Phú Yên. Thêm một vinh dự nữa cho Phú Yên, cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam “Phép giảng 8 ngày” của Linh mục Alexandre de Rhodes được in tại Roma năm 1651, hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892 tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.