Có yếu tố dịch tễ, ngày 26/5, ông Nguyễn Văn Đ. được cách ly tại bệnh viện dã chiến. Ngày 10/6, ông bắt đầu có biểu hiện ho, sốt và được xác định mắc Covid-19 ngày 12/6. Ông được chuyển vào bệnh viện điều trị.
Bệnh diễn biến nhanh với tình trạng thở ô-xy lưu lượng cao không đáp ứng. Bệnh nhân được can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy, và chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 25/6.
Các bác sĩ tiếp nhận ông Đ. trong tình trạng thở máy qua nội khí quản, chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng (chỉ số P/F 72); xuất huyết tiêu hóa, dịch dạ dày nâu đen, mạch quay yếu, tĩnh mạch cổ xẹp, huyết áp tụt, duy trì thuốc vận mạch nâng huyết áp. Bệnh nhân được đưa vào khoa Hồi sức tích cực ngày 26/6.
"Bệnh nhân có tiên lượng rất xấu, bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng. Sau 12 ngày thở ô-xy lưu lượng cao HFNC và 2 ngày thở máy xâm nhập, bệnh nhân suy giảm trầm trọng chức năng phổi, kèm theo tắc mạch và rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng. Đây là ca bệnh khó, nhiều vấn đề nan giải, cần can thiệp ECMO và chỉ định phẫu thuật chi để lấy huyết khối", các bác sĩ nhận định.
Ngày 27/6, một dấu mốc đến với bệnh nhân này khi buộc phải can thiệp ECMO kết hợp thở máy thông số kĩ thuật cao trong ARDS để bảo đảm chức năng hô hấp, duy trì thuốc vận mạch để bảo đảm chức năng tuần hoàn, điều trị nội khoa huyết khối tĩnh mạch sâu; kết hợp chăm sóc toàn diện, chăm sóc chuyên sâu.Mục đích bảo đảm chức năng sống cho bệnh nhân và kiểm soát nhiễm trùng.
Các bác sĩ túc trực 24/24 bên bệnh nhân để theo dõi sát sao các diễn biến lâm sàng, kết hợp theo dõi đánh giá xét nghiệm đông máu cơ bản, đo các chất khí trong máu, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ máu, marker viêm cơ tim hàng ngày. Từ đó bác sĩ kịp thời điều chỉnh thuốc, truyền máu và chế phẩm máu; kết hợp ECMO,thở máy với lọc máu hấp thu độc tố Cytokinse.
Trước tình hình bệnh nhân cần thở máy kéo dài, ngày 28/6, các bác sĩ tiến hành mổ khí quản cấp cứu tại giường cho người bệnh, và chăm sóc hô hấp tích cực.
Sau 9 ngày ECMO và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, chức năng phổi cải thiện tốt, giảm được thông số máy thở và máy ECMO. Các bác sĩ tiến hành cai ECMO và kết thúc hệ thống ECMO thành công vào ngày 6/7.
Bác sĩ Đặng Văn Dương, khoa Hồi sức tích cực vui mừng cho biết, tình trạng huyết khối tĩnh mạch cũng được điều trị ổn định. Bệnh nhân chính thức qua cơn nguy kịch, tiếp tục được chăm sóc tập phục hồi chức năng hô hấp, vận động tại giường, kết hợp nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày và nuôi dưỡng tĩnh mạch nâng cao thể trạng.
Sau đó 5 ngày, bệnh nhân tự thở, rút ống mở khí quản thành công và chuyển thở ô-xy kính. Ngày 20/7, sau 8 ngày thở ô-xy kính, bệnh nhân khỏe mạnh, da niêm mạc hồng, thể trạng tốt, tiếp xúc tốt, tự vận động tốt.
Hôm nay, sau 27 ngày chăm sóc tích cực bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, các xét nghiệm đông máu ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp, bệnh nhân được ra viện và xe của bệnh viện đưa bệnh nhân về với gia đình.
“Đây là ca bệnh rất nặng, tình trạng bệnh rất phức tạp. Bệnh nhân không chỉ tổn thương phổi trầm trọng và sốc nhiễm trùng mà còn có rối loạn đông máu hết sức nặng nề, kèm huyết khối tĩnh mạch sâu. Việc những bệnh nhân nặng như thế này hồi phục khỏe mạnh hoàn toàn một điều kỳ diệu đối với chúng tôi", BS Dương hạnh phúc nói.
Hiện tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn 21 bệnh nhân nặng, trong đó có 17 ca thở máy, 6 ca ECMO. Đây là ca bệnh nặng thứ 30 (ca bệnh nền thứ 6) hồi phục tốt trong đợt dịch thứ tư này.