Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm

NDO - Những quyết sách mang tính lịch sử với sự vào cuộc của Chính phủ, cộng với nỗ lực vượt bậc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đơn vị chủ đầu tư), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nằm trên địa bàn xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã hồi sinh, phát triển ổn định sau hơn năm rưỡi đi vào hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Hạng mục xử lý lưu huỳnh tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Hạng mục xử lý lưu huỳnh tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngày 27/4/2023 là dấu mốc không bao giờ quên với bao thế hệ công nhân, kỹ sư đã từng có thời gian “vào sinh ra tử” với siêu dự án có tổng vốn đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng. Ngày đó, có nước mắt của niềm vui, sự sung sướng đến tột độ bởi không ai dám nghĩ, dám mơ mộng đại dự án có thể về đích!

Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ngày 27/4/2023.

Trở lại thời điểm những năm 2018, 2019, khi dự án đình đốn, không bảo đảm tiến độ do “đói vốn”, thậm chí các cơ quan, ban ngành không ai muốn đến, khi đó kỹ sư Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phân công về đảm đương vị trí Trưởng Ban Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ông luôn trăn trở phải bắt đầu từ đâu để sớm vực dậy siêu dự án.

Trong những ngày tháng gian khó, phóng viên Báo Nhân Dân thường xuyên về nhà máy để chứng kiến, ghi nhận bao khó khăn, vướng mắc đặt ra, có lúc bế tắc và tưởng như không có lối thoát.

Còn nhớ, tháng 1/2018, khi chúng tôi xuống công trường xây dựng đại dự án này, ông Bùi Sơn Trường, Giám đốc Ban điều hành của tổng thầu EPC, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tỏ ra lạc quan khi khẳng định: “Dự án đã được khởi động lại bốn, năm tháng nay, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đốt dầu. Dự án đã hoàn thành được 82% khối lượng công việc, còn lại chủ yếu là phần chạy thử. Dự kiến đến tháng 4/2018 chúng tôi sẽ chạy thử”.

Tuy nhiên, trong thực tế vào tháng 7/2019 khi chúng tôi quay lại công trường thì mọi kế hoạch vẫn án binh bất động. Tiến độ xây dựng nhà máy bị ngưng trệ gần như hoàn toàn, công nhân, kỹ sư tay nghề cao đã chủ động rời bỏ dự án, tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn.

Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm ảnh 3
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống điện dự phòng Tổ máy số 2 tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh chụp ngày 27/8/2022)

Qua trao đổi, Ban Lãnh đạo dự án cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại đã dừng cho vay vì lo ngại những rủi ro có thể xảy ra với siêu dự án hơn 41 nghìn tỷ đồng này.

Việc lựa chọn Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm tổng thầu là một sai lầm vì đơn vị không đủ năng lực tài chính lẫn chuyên môn. Cộng với việc, tại đây vừa xảy ra vi phạm tài chính, làm thất thoát hơn 800 tỷ đồng càng khiến dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 lâm vào cảnh thiếu hụt nguồn tài chính nghiêm trọng.

Như vậy, việc tìm ra lối thoát cho dự án chính là phải tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, thể chế. Và việc này là quá tầm với của Bộ Công thương!

Do đó, để nhà máy sớm đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia thì cần có liệu pháp đặc biệt, chứ không phải thông thường với sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm ảnh 4
Kiểm tra công tác hàn đường ống của hệ thống khử lưu huỳnh tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh chụp tháng 8/2022)

Rất vui mừng, sau đó đối với nút thắt vốn, Ban Quản lý dự án đã khẩn trương báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chủ đầu tư) kiến nghị Chính phủ cho sử dụng vốn tự có để trả cả gốc và lãi vay làm dự án, đồng thời tự cấp vốn làm dự án. Phương án này được Chính phủ chấp thuận và điều này làm tăng hiệu quả dự án.

Bên cạnh đó, từ năm 2021, Chính phủ đã quan tâm sát sao, có những chỉ đạo quyết liệt mang tính lịch sử tạo ra bước ngoặt và thời cơ lớn để đại dự án có thể về đích sớm nhất.

Có thời kỳ cao điểm, hằng tuần, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình, kết quả triển khai, thi công dự án, những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ, bởi tiến độ là mệnh lệnh, là thước đo năng lực, là lời hứa trước Đảng, trước nhân dân.

Còn tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra.

Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt cuộc thị sát, trực tiếp kiểm tra, làm việc, giao ban tại công trường dự án, trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án.

Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm ảnh 5

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra đốt lửa lần đầu Nhiệt điện Thái Bình 2, năm 2022.

Ngày 23/2/2022, nhà máy hoàn thành đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1 và sáu tháng sau, ngày 27/8/2022, Tổ máy 2 tiếp tục thực hiện thành công. Cuối năm 2022, những con số vui dồn dập báo về: Tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt hơn 92%; công tác mua sắm hoàn thành hơn 97%; thi công xây lắp đã xong gần 94%... Những con số ấy chứng minh rằng, việc đưa Nhà máy vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia đang đến rất gần.

Sáng 27/4/2023, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trải qua 12 năm đầu tư xây dựng, cuối cùng dự án đã hồi sinh đúng như khao khát, mong đợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhất là đông đảo bà con nhân dân nơi đặt nhà máy.

Hồi sinh dự án trọng điểm điện Quốc gia, một thời mong manh bờ vực thẳm ảnh 6

Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Từ khi đưa nhà máy vào hoạt động cho đến nay, qua mỗi năm sản lượng điện, doanh thu cũng như nộp ngân sách nhà nước đều tăng cao. Năm 2023, sản lượng điện đạt 2.727 triệu kWh; doanh thu đạt 5.599 tỷ đồng và nộp ngân sách 232,9 tỷ đồng. Còn bước sang năm nay, chỉ trong 11 tháng Nhiệt điện Thái Bình 2 đã vượt kế hoạch sản xuất của cả năm 2024. Theo đó, đơn vị đã đạt tổng sản lượng điện 5.538,4/5.528,9 triệu kWh.

Dự kiến, cả năm 2024, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ đạt tổng sản lượng điện 6.076,2 triệu kWh, bằng 110% kế hoạch sản lượng. Cùng với đó, doanh thu cả năm nay ước đạt 12.357,8 tỷ/10.950,4 tỷ đồng, tương đương 113% kế hoạch. Với sản lượng điện và doanh thu đều tăng cao, nên dự kiến năm 2024, Nhiệt điện Thái Bình 2 nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng (kế hoạch nộp 250 tỷ đồng).

Ông Mai Văn Long, Giám đốc nhà máy cho biết: Xác định rõ trách nhiệm và cũng là vinh dự khi được quản lý, vận hành nhà máy, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cũng như kỹ sư, công nhân, người lao động luôn tâm niệm một điều, đó là, cần làm thật tốt nhiệm vụ được phân công, có sự đoàn kết, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm.

Mỗi ngày trôi qua, được làm việc, được cống hiến cho sự phát triển không ngừng của Nhiệt điện Thái Bình 2, vừa là động lực cũng là niềm vui, hạnh phúc của mỗi con người nơi đây.