Hội quán bàn chuyện làm ăn

Các Hội quán ở Đồng Tháp ngày càng phát huy rõ nét vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Hội quán từng bước giúp các thành viên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và thực tế đã xuất hiện không ít mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả…
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi sinh hoạt Hội quán tại xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Một buổi sinh hoạt Hội quán tại xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp hoạt động với phương châm “ba không, ba tự, ba cùng”, tức là: Không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết và cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng. Từ Hội quán đầu tiên được thành lập năm 2016, đến nay, toàn tỉnh có 134 hội quán với hơn 7.250 thành viên. Hiện, có 116 xã trong số 143 xã, phường, thị trấn ở Đồng Tháp có ít nhất một mô hình hội quán, có xã có đến ba hội quán; 32 hợp tác xã được thành lập trên nền tảng hội quán.

Kết quả khảo sát, đánh giá 122 hội quán trong năm 2022 có 51 hội quán tiêu biểu, 55 hội quán hoạt động tốt, 14 hội quán hoạt động khá, hai hội quán hoạt động chưa đạt yêu cầu. Như vậy, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 87% số hội quán hoạt động tiêu biểu và tốt…

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 vừa tạm lắng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã đến thăm Hội quán Làng bột ở thành phố Sa Đéc. Trong câu chuyện với Bí thư Tỉnh ủy, nhiều thành viên hội quán này cho biết: “Chúng tôi tự tin có thể khôi phục 100% hoạt động sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Trước và trong những tháng dịch bệnh, chúng tôi đã thống nhất cùng nhau phải nâng cao chất lượng bột gạo để giữ gìn và phát huy thương hiệu Làng bột trăm tuổi, góp phần cải thiện thu nhập cho từng thành viên”.

Tân An Hội quán ở xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh có 40 thành viên, chuyên về cây ăn trái, cây kiểng và hoa màu. Các thành viên hội quán sử dụng phân bón hữu cơ cho cây ăn trái mang lại hiệu quả cao. Chủ nhiệm Tân An Hội quán Trần Ngọc Ẩn chia sẻ: “Với sự kiên trì vận động, các thành viên đã dần ý thức được lợi ích của việc ứng dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Toàn thể thành viên hội quán chúng tôi có cùng suy nghĩ, cứ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn cho xã hội xem như là hành động biết ơn người tiêu dùng đã ủng hộ cho nông dân chúng ta, còn giá cả cứ tùy thị trường, “hữu xạ tự nhiên hương” thôi”.

Từ hội quán, người nông dân kết nối được với các doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học trong thực tế sản xuất, kinh doanh. Từ đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, họ thật sự tham gia vào quản trị địa phương và “làm chủ” xóm làng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công cho biết, thời gian qua, đã xuất hiện nhiều cách làm mới, hướng đến phát triển kinh tế tập thể từ các hội quán. Nhiều thành viên hội quán tham gia thực hiện xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi. Trên cơ sở đó, các thành viên hội quán đã chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, sản xuất an toàn; hạ giá thành sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, nhiều thành viên hội quán có thu nhập ổn định hơn, đời sống không ngừng được nâng cao.

Nhiều lễ hội, diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại về xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng ở Đồng Tháp có sự tham gia của đại diện các hội quán. Qua đó, các hội quán đã trao đổi thông tin về nhu cầu, điều kiện cần để các sản phẩm nông sản có thể tham gia các chuỗi bán hàng, định hướng người sản xuất đổi mới quy trình sản xuất, đóng gói, bao bì, chất lượng sản phẩm và sản lượng.

Thực tế cho thấy, người dân rất cần sự hợp tác, liên kết và ngồi lại với nhau cùng bàn chuyện làm ăn và hội quán đã đáp ứng được các nhu cầu này. Các hội quán đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là mỗi thành viên hội quán có cuộc sống tốt hơn, có được cơ hội mở rộng cách thức làm ăn, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển.

“Tôi thật sự ấn tượng khi đến các hội quán nghe các chú, các anh, các chị nói những câu chuyện về tiếp cận khoa học-công nghệ; làm sao để sản phẩm mình làm ra được tốt hơn, giải quyết những vấn đề rất khó trong quá trình sản xuất và tiếp cận thị trường. Tham gia hội quán, nhiều người cùng nghĩ, cùng làm, cùng chia sẻ để các thành viên cùng gắn kết và cùng có kết quả tốt hơn, nhanh hơn và bền vững”, đồng chí Lê Quốc Phong nhìn nhận.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cấp ủy, chính quyền không làm thay hội quán nhưng phải cùng đồng hành, cùng theo dõi để hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Tinh thần tự lực, hợp tác, tự nguyện, tự giác là hồn cốt của hội quán, đó là sợi dây quan trọng nhất gắn kết và thúc đẩy hoạt động của hội quán. Trách nhiệm của cấp ủy các cấp là chia sẻ, hỗ trợ về công việc của hội quán, phải luôn thể hiện rõ sự đồng hành đối với hội quán.

Thực tế cũng cho thấy, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của hội quán thì cần tiếp tục đa dạng, phong phú nội dung sinh hoạt của hội quán. Muốn vậy, điều đầu tiên phải là sự chủ động của ban chủ nhiệm hội quán. Các thành viên cần thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự gắn kết bằng việc phản ánh kịp thời những yêu cầu, mong muốn với ban chủ nhiệm. Cùng với đó, các ngành chức năng tham gia định hướng, hỗ trợ các hội quán; kêu gọi thêm các doanh nghiệp gắn kết các ngành hàng, lĩnh vực có sự tương đồng để chia sẻ nhu cầu...