Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị chuyên ngành khu vực 19 tỉnh miền trung-Tây Nguyên

NDO - Trong hai ngày 5 và 6/10, tại Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 4 hội nghị chuyên ngành với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Hội Nhà báo 19 tỉnh miền trung-Tây Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Toàn cảnh Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Ngoài tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; các đại biểu còn được tham gia 3 hội nghị khác.

Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” đã nhấn mạnh, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch không thể không nói tới vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng. Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có tiếng nói quan trọng trong việc định hướng thông tin đúng đắn hơn, hình thành dư luận xã hội thuyết phục hơn.

Vì vậy hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hướng tới sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, đồng thời là sinh hoạt chính trị-nghiệp vụ bổ ích đối với báo chí địa phương.

Với vai trò tiên phong, đấu tranh công khai trên mặt trận này, nhiều tờ báo đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xác định rõ vai trò xung kích của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần đưa thêm nhiều nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lên mạng xã hội, góp phần lan tỏa thông tin chính thống trên nền tảng số; từ đó, đẩy lùi các thông tin xấu, độc.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng đánh giá cao các kiến nghị tâm huyết của đại biểu. Với tinh thần trách nhiệm cao trước hội viên, các cấp Hội đã nghiêm túc thảo luận, phân tích các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh, nhìn nhận những thiếu sót, từ đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Từ đó thấy được sứ mệnh của người làm báo trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Về Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương.

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị chuyên ngành khu vực 19 tỉnh miền trung-Tây Nguyên ảnh 1

Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016.

Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí.

Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, phương thức tác nghiệp, tổ chức sản xuất các ấn phẩm báo chí hiện nay đã có nhiều thay đổi, vì vậy, nhiều nội dung trong Luật Báo chí 2016 chưa theo kịp với thực trạng hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 ở thời điểm này là cần thiết.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe, thảo luận về Hội nghị Sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết 5 năm công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương.