Thông báo về Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị sẽ đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ).
Công nghiệp văn hóa trong năm qua đã có nhiều chuyển biến. Ảnh: Nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành trung tâm nghệ thuật trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, trong Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của Hội nghị là xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030 và trong các giai đoạn tiếp theo, trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ngoài ra, còn hướng tới thúc đẩy ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển.
Từ những kết quả của Hội nghị, sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đồng thời, xác định phương hướng xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tại trụ sở Chính phủ vào ngày 24/12, với hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến các điểm cầu ở các địa phương, có sự tham gia của khoảng 150-200 đại biểu.