Đại diện 3 tỉnh của Việt Nam tham dự AOPTC 23 lần này là đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh do ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu; đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An do ông Trần Khánh Thục, Giám đốc Sở Ngoại vụ dẫn đầu; đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình do bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao dẫn đầu.
Phát biểu khai mạc AOPTC 23, Tỉnh trưởng tỉnh Sakon Nakhon Nattawat Wiriyaphaporn đánh giá cao sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa 9 tỉnh trong thời gian qua; nhấn mạnh đại biểu các nước có những đề xuất cụ thể tại hội nghị để hợp tác giữa các bên trong thời gian tới ngày càng hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu 3 tỉnh của Việt Nam đã cùng đại biểu 4 tỉnh Thái Lan là Bueng Kan, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom và Nong Khai và 2 tỉnh của Lào là Bolikhamxay và Khammouane trao đổi về hợp tác đa phương cũng như song phương mà các bên quan tâm.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng tại sự kiện. Ảnh: CTV |
Đại diện 3 tỉnh của Việt Nam đã giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh. Các tỉnh của Việt Nam cũng chia sẻ một số kết quả hợp tác giữa các tỉnh trong thời gian qua; đề nghị chính quyền một số tỉnh giáp biên nước bạn nâng cấp cửa khẩu hoặc tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do đặc thù đây là các tỉnh liền kề.
Lãnh đạo 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình cũng nêu bật những thế mạnh của từng tỉnh và cam kết sẽ dành những ưu tiên cao nhất trong hợp tác đối với các tỉnh của Thái Lan và Lào.
Hội nghị đã ra nghị quyết, thông qua Báo cáo tổng kết các hoạt động đã đạt được từ AOPTC 22 tại tỉnh Hà Tĩnh năm 2019, trong đó nêu rõ những thành công cũng như những mặt hạn chế, cần phải khắc phục trong một số hoạt động chung trong khuôn khổ hợp tác; nhấn mạnh các bên đã bám sát kế hoạch hành động trong các mặt như giáo dục, y tế, nông nghiệp, thương mại-đầu tư, du lịch, chuyển giao kiến thức về khoa học-công nghệ, giao lưu văn nghệ-thể thao.
Các bên nhất trí đề ra và thúc đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, y tế công cộng, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ…, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư xây dựng nhân sự về ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Thái Lan và tiếng Lào ở cả ba nước; thúc đẩy quảng bá thương mại và đầu tư giữa 9 tỉnh, giới thiệu các sản phẩm địa phương như Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đặc biệt là thương mại mậu biên.
Về lĩnh vực vận tải và giao thông, các bên nhất trí đề nghị lên cấp chính phủ để mở con đường nối Bangkok qua Lào đến Hà Tĩnh, mở tuyến đường vận tải hành khách từ Quảng Bình đến Sakon Nakhon; thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ để phát triển nông nghiệp.
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị trù bị AOPTC 24 từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024 tại Khammouane (Lào) và Hội nghị cấp cao AOPTC 24 tại tỉnh Quảng Bình từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2025.
Các đại diện 9 tỉnh của Việt Nam, Thái Lan và Lào ký Biên bản ghi nhớ. Ảnh: CTV |
Kết thúc hội nghị, đại diện 9 tỉnh của Việt Nam, Thái Lan và Lào ký Biên bản ghi nhớ (MOU), nhất trí các kết quả đạt được trong việc triển khai các kế hoạch đã đề ra trong Biên bản hội nghị AOPTC 22 ngày 26/9/2019 tại Hà Tĩnh cũng như đề ra phương hướng và các kế hoạch hành động chung cho thời gian sắp tới.
Cuối buổi chiều cùng ngày, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan phối hợp chính quyền tỉnh Sakon Nakhon tổ chức chương trình Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan.
Tham dự sự kiện có đại diện thương mại của một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan cùng hàng chục đại diện tập đoàn, công ty của Thái Lan và hơn 30 doanh nghiệp kiều bào Việt Nam tại khu vực Đông Bắc Thái Lan
Phát biểu tại sự kiện, Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng cho biết, năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN và lớn thứ 6 trên thế giới. Thương mại giữa hai quốc gia đạt gần 19 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam chiếm 11,8 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam là 7,19 tỷ USD.
Hơn 200 công ty Thái Lan đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm năng lượng tái tạo, bán lẻ, hóa dầu, khu công nghiệp, ngân hàng và nông nghiệp. Hiện hai nước có hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng 20 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa, mới nhất là kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị và Ubon Ratchathani ngày 18/1/2024.
Các đại biểu tham dự chương trình Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan. Ảnh: CTV |
Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng nhấn mạnh, Tổng Lãnh sự quán tại Khon Kaen đang xúc tiến tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, đặc biệt các tỉnh có đông bà con kiều bào và các tỉnh vùng biên giới giáp Lào; một trong những trọng tâm là tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế các tỉnh dọc theo đường 8, đường 9 và đường 12, thúc đẩy phát triển vùng 9 tỉnh ba nước Việt Nam, Thái Lan và Lào bởi là nơi có vị trí địa lý gần gũi và giao thông thuận tiện, ẩm thực tương đồng, người dân thân thiện.
Tại cuộc đối thoại, nhiều vấn đề liên quan thủ tục hành chính, các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, đầu tư, du lịch, đặc biệt là những ưu tiên nhằm kết nối các tỉnh Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh miền Trung của Việt Nam đã được đại diện chính quyền Thái Lan giải đáp.