Các đại biểu tham dự AEM 54 và các hội nghị liên quan tập trung thảo luận về tiến trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế ưu tiên trong năm ASEAN 2022, kinh tế đối ngoại của khối và vấn đề Timor Leste xin gia nhập ASEAN.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nêu rõ, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều vấn đề do dịch bệnh, chiến tranh và biến đổi khí hậu gây nên, Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2022 ưu tiên bảo đảm tính hiệu quả của ASEAN trong việc ứng phó những thách thức và rủi ro, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Giới thiệu cảnh đẹp các nước ASEAN tại Lễ khai mạc. |
Nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh: “Với tinh thần đó, Campuchia đề ra 4 mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bao gồm: Tăng cường kết nối số, khoa học và công nghệ; thu hẹp khoảng cách phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN; thúc đẩy một ASEAN hội nhập, bao trùm, bền vững và cạnh tranh hơn; đưa ASEAN lên tầm toàn cầu để tăng trưởng và phát triển”.
Theo thông tin của đoàn Việt Nam, tại các hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN và đối tác sẽ trao đổi về vấn đề thương mại nội vùng, chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ-công nghiệp và chia sẻ thông tin ngân hàng trung ương… Bộ Thương mại Campuchia với vai trò là chủ nhà của ASEAN năm nay đã sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên, các đối tác và Ban Thư ký ASEAN để thúc đẩy các nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng lại cộng đồng kinh tế khu vực và tăng tốc phục hồi kinh tế.
Đoàn Việt Nam tham dự AEM 54 và các hội nghị liên quan. |
Trong khi đó, các nhà chuyên môn nước chủ nhà Campuchia nhận định, trong tương lai, ASEAN sẽ là một Hiệp hội mạnh mẽ vì khối này có nhiều đối tác bên ngoài và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã cung cấp cho khối khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, với 5 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Các chuyên gia cấp cao quốc tế cũng đánh giá hợp tác kinh tế của ASEAN đã có những bước tiến ổn định, đây có thể được coi là một thí dụ thành công về hội nhập kinh tế của các nước đang phát triển. Thành tựu to lớn mới nhất trong hợp tác kinh tế ASEAN là sự ra đời và có hiệu lực của RCEP vào đầu năm nay, được coi là động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Hợp tác kinh tế ASEAN chặt chẽ hơn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng lâu dài ở khu vực. ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến và kế hoạch để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Tương lai của ASEAN tươi sáng và rõ ràng hơn trước đây nhờ sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế các nước thành viên và mối quan hệ giữa các quốc gia.
Được thành lập từ năm 1967, ASEAN hiện có 10 nước thành viên, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.