Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Lê Thanh Bình sau khi tham gia các triển lãm mỹ thuật tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Italia, Bangladesh… và góp mặt tại triển lãm trong nước như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020, triển lãm nhóm “Anh-Em” (năm 2021).
Họa sĩ Lê Thanh Bình sinh năm 1979, tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật-Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Nuôi dưỡng đam mê hội họa đã lâu song trong khoảng 4 năm gần đây (2018-2022), Lê Thanh Bình mới công bố các tác phẩm của mình.
Theo đuổi phong cách vẽ siêu thực, tranh của hoạ sĩ Lê Thanh Bình mang đến sự “bùng nổ” về hiệu ứng thị giác ngay từ cái nhìn đầu tiên, và từ từ sau đó là dẫn dắt người xem đến những xúc cảm, ý niệm.
Chia sẻ với khán giả về bức sơn dầu trên vải lanh với tên gọi “Miền ánh sáng”, tác giả Lê Thanh Bình cho biết: “Nếu bạn lạc lối trong đêm tối, một chú đom đóm bay lên cũng trở thành một vệt sáng dẫn đường. Nếu bạn đang mắc kẹt trong một cánh rừng sâu thẳm, ánh sáng lóe lên ở cuối con đường cũng là lời chỉ dẫn.
Trong đêm tối hay tuyệt vọng, trong tận cùng nỗi đau hay lạc lối, “Miền ánh sáng” luôn là điều tươi mới nhất. Nó là thứ mang đến hy vọng, là ánh sáng mặt trời làm tan chảy lớp tuyết dày phủ trên những cánh đồng hoa mùa đông, là ngọn lửa trong đêm đông sưởi ấm trái tim. “Miền ánh sáng” là hy vọng tươi mới về cuộc sống đầy ắp những điều tốt đẹp này".
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thanh Bình. |
Lê Thanh Bình vẽ theo phương pháp cổ điển nghĩa là “không thể vẽ nhanh được” và luôn muốn vẽ khổ lớn, bởi theo anh “sơn dầu và phương pháp cổ điển cùng với khổ Canvas lớn là động lực lôi cuốn anh “ra ngoài chiếc hộp năng lực sáng tạo bản thân mà trải nghiệm tự do”.
Mỗi ý tưởng, bố cục, hình học, kỹ thuật sơn dầu đến hình tượng, ánh sáng, màu sắc… trong mỗi tác phẩm là thành quả của tư duy sáng tạo và kỹ thuật điêu luyện của hoạ sĩ.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông: “Không gian hội họa của Lê Thanh Bình có thể cảm nhận sự hiện diện vô hình của thời gian qua tương phản của không gian xa hút và các mô-típ hình thể lơ lửng cận cảnh.
Sự có mặt hay nói cách khác, dấu ấn của thời gian còn hiện diện ở thế giới đồ vật đã trở thành xưa cũ như thúng mẹt, cơi trầu, đèn dầu, chiếu hoa, cổng làng…
Ngoài ký ức chung, tính tập thể đó, tranh của Lê Thanh Bình còn chứa những câu chuyện riêng, khiêm nhường nhưng nhiều khát vọng như cá tính nghiêm túc, tình cảm kín đáo của nghệ sĩ”.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 24/10 tại phòng trưng bày Mỹ thuật đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.