Đây là lần đầu tiên Công ty đem các sản phẩm của mình ra giới thiệu với thị trường Hà Nội, ngoài các lại thủy hải sản, đặc sản của vùng biển Bình Định, còn có những sản phẩm nông sản chế biến sạch, trồng từ vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên như trà (trà khô, trà túi lọc), ca cao, artiso. Ông Hồ Xuân Thắng, đại diện của Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát (Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, Công ty có nhà phân phối ở nhiều tỉnh miền trung và Tây Nguyên, nhiều nhất là Đà Lạt, và lần này tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền để mở rộng thị trường ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Ông Hồ Xuân Thắng cho biết ngay trong buổi chiều đem giới thiệu sản phẩm, đã có nhiều nhà phân phối đến gặp gỡ, tìm hiểu về sản phẩm và hẹn sẽ vào tận nơi sản xuất để tham quan, tìm hiểu thêm.
Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang tham gia Hội chợ với vai trò cơ quan đầu mối quảng bá các sản phẩm của tỉnh, mang theo hơn 50 sản phẩm đặc trưng như mì Chũ, bưởi da xanh, cam đường Canh, một số loại nông sản khác... Riêng mì Chũ, đặc sản Bắc Giang, Trung tâm giới thiệu khoảng hơn chục loại mì khác nhau, đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc đã xuất khẩu ra nước ngoài như Green, Xuân Trường, Tâm Thủy, Thuận Hương, Việt Xuân…
Đã từng tham gia nhiều hội chợ nông sản cũng như đặc sản vùng miền, nhưng đây là lần đầu tiên Trung tâm góp mặt với vai trò là đơn vị chính thức giới thiệu sản phẩm của tỉnh, chứ không chỉ là giới thiệu các doanh nghiệp, nhà sản xuất tham dự cùng, còn mình chỉ dự với vai trò kết nối. Đại diện Trung tâm cho biết, các sản phẩm nông sản sạch được giới thiệu ở đây đều ít nhất đáp ứng được tiêu chuẩn Vietgap, hoặc OCOP bốn sao. Ngoài ra, Trung tâm cũng giới thiệu một số sản phẩm từ làng nghề truyền thống như bánh chưng, gạo nếp Thái Sơn…
Đại diện Trung tâm cho biết, Trung tâm đã lựa chọn sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu để đem đi trưng bày đại diện cho tỉnh Bắc Giang. Lần tham gia Hội chợ này, tỉnh Bắc Giang và Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cũng đầu tư gian hàng rất công phu. Từ thiết kế gian hàng, cách bài trí, sắp xếp cho đến lựa chọn sản phẩm, đều từ sản phẩm, vật liệu của các địa phương trong tỉnh. Tất cả đều nhằm mục đích mở rộng thị trường, thu hút thêm đối tác, khách hàng, đặc biệt là tìm thêm các đầu mối xuất khẩu sản phẩm. Trong ngày đầu tham gia Hội chợ, đã có nhiều nhà cung cấp gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thông tin về các sản phẩm của Bắc Giang như Megamart, Big C, một số siêu thị lớn ở Hà Nội…
Một đơn vị khác chỉ là doanh nghiệp nhưng cũng đầu tư rất công phu cho chuyến “bắc tiến” giới thiệu sản phẩm lần này, là Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare. Giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Hiền cho biết, anh đã thuê căn hộ tại Royal City cả tuần nay để chuẩn bị cho Hội chợ. Anh Nguyễn Thanh Hiền cho biết, sản phẩm duy nhất giới thiệu tại Hội chợ lần này là tương ớt, ớt xay lên men, được lấy từ nguồn ớt sạch trồng trong nước. Sản phẩm ớt này được Tomcare ấp ủ nghiên cứu và thực hiện từ nhiều năm nay, và đây là lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường phía bắc. Ngược lại với nhiều doanh nghiệp khác, sản phẩm tương ớt lên men của Tomcare đã được xuất khẩu trước khi mở rộng thị trường trong nước, như Australia, Mỹ, Canada, Nga. Anh Nguyễn Thanh Hiền cho biết, thị trường phía bắc, đặc biệt là thị trường Hà Nội là mục tiêu nhắm tới hàng đầu của Tomcare, vì anh cho rằng, chinh phục được một thị trường khó tính như Hà Nội là một thành công lớn. Được biết, trong ngày đầu diễn ra Hội chợ, đã có nhiều nhà cung cấp lớn như Mega mart, Coop mart, Big C đến gặp, trao đổi thông tin và hẹn sẽ đến tìm hiểu nơi sản xuất, tiến tới ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Tomcare.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm HPA, đơn vị tổ chức Hội chợ cho biết, mỗi năm thu hút hàng trăm gian hàng của trên dưới 100 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước, hiện nay Hội chợ Đặc sản vùng miền không chỉ còn là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng cho người dân Hà Nội, mà đã trở thành một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, giúp cho người dân có thói quen tiêu dùng hàng Việt, nâng cao chất lượng sản phẩm của đặc sản Việt.