Học giả Trung Quốc đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, giáo sư Cốc Nguyên Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ và triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Cốc Nguyên Dương (bên phải) và Phu nhân tại lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Hữu Hưng)
Giáo sư Cốc Nguyên Dương (bên phải) và Phu nhân tại lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Hữu Hưng)

Giáo sư Cốc Nguyên Dương cho rằng, trong gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 luôn là "biến số" chính chi phối sự phục hồi nền kinh tế thế giới. Giai đoạn "hậu Covid-19" chưa thật sự bền vững, khi số ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn cao, là trở lực chủ yếu đối với tiến trình phục hồi, khiến tăng trưởng kinh tế của nhiều nước giảm tốc, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trong bối cảnh đó, dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đề ra chính sách phòng, chống dịch bệnh phù hợp tình hình thực tế, xử lý tốt bài toán phòng, chống Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, từ đó trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Kết quả như vậy là hiếm có, góp phần giữ đà phát triển của Việt Nam từ trước đại dịch.

Nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã chặn đứng đại dịch tái bùng phát, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ở mức ấn tượng. Các tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm 2022. Điều này hoàn toàn tương phản với sự trì trệ và suy thoái của một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nhận định về triển vọng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, Giáo sư Cốc Nguyên Dương bày tỏ lạc quan và kỳ vọng việc hiện thực hóa các mục tiêu theo lộ trình mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra, để người dân từ thu nhập trung bình thấp, vươn lên có thu nhập cao, đất nước bước vào nhóm các quốc gia phát triển.

Học giả Trung Quốc khẳng định, Việt Nam có nền tảng vững chắc để phát triển nhanh và bền vững. Trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam không những vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, mà còn đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú.

Điều quan trọng là Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về chính trị, thể chế, xã hội, công nghệ và hội nhập. Cụ thể là kiên định sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định đổi mới và quan điểm "lấy dân làm gốc", coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, phát triển trí tuệ nhân tạo, kinh tế số...