Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn

Các số liệu trong tám tháng đầu năm 2022 về chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... đang cho thấy Việt Nam có tốc độ phục hồi kinh tế ấn tượng trong nửa cuối năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh thu từ bán lẻ đang tăng so với cùng thời điểm năm 2021. Ảnh: NGUYỆT ANH
Doanh thu từ bán lẻ đang tăng so với cùng thời điểm năm 2021. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối năm 2022 do tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng 10,8% và 3,9% trong quý III và IV, dẫn đến tăng trưởng cả năm lên tới 6,7%. Hơn nữa, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và dệt may có mức tăng 30% so với năm ngoái. Doanh thu từ bán lẻ tăng hơn 55% so với cùng thời điểm năm 2021. Thu nhập từ các mảng liên quan đến du lịch cho thấy mức tăng trưởng hai con số trong bốn tháng liên tiếp.

Doanh số bán lẻ dự kiến ​​sẽ tăng lên 60,2% vào tháng 8 so với 42,6% vào tháng 7 năm 2022. Xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp cũng được dự đoán sẽ tăng 15%, 15,2% và 15,2% trong tháng 8. Lạm phát có khả năng chạm mốc 3% vào tháng 8, con số này là 3,2% trong tháng 7. Áp lực giá có thể tăng trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 12/2022 và vào năm 2023.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 8 ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến và chế tạo cũng đã tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tám tháng vừa qua, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%).

Chỉ số IIP tám tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng ở 61 địa phương và giảm ở hai địa phương trên cả nước. IIP ở Trà Vinh giảm 26,6% còn Hà Tĩnh giảm 15%. Tính đến ngày 1/8/2022, số lao động làm việc trong các xưởng sản xuất công nghiệp tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước và 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1 đến tháng 8, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 8 ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và 17,3% theo năm (YoY). Thặng dư thương mại đạt gần 4 tỷ USD trong tám tháng. Cũng trong tám tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu trị giá 250,8 tỷ USD (tăng 17,3%) và nhập khẩu trị giá 246,84 tỷ USD (tăng 13,6%).

Từ đầu năm đến nay, Mỹ là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Việt Nam với kim ngạch 77,7 tỷ USD. Trong khi, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất, bán hàng hóa trị giá 82,1 tỷ USD. Trong cùng kỳ, Việt Nam xuất siêu 21,6 tỷ USD với Liên minh châu Âu và thâm hụt thương mại 47,8 tỷ USD với Trung Quốc, tăng lần lượt 46,4% và 21,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tính đến ngày 20/8 trị giá gần 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị vốn đăng ký mới trong kỳ đã sụt giảm đáng kể - giảm 43,9%, xuống còn 6,35 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn bổ sung vào các dự án hiện tại tăng 50,7% lên 7,5 tỷ USD, góp vốn và mua cổ phần tăng 3,6% lên 2,9 tỷ USD.

Từ tháng 1 đến tháng 8, 12,8 tỷ USD đã được giải ngân cho các dự án FDI, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn FDI nhất với con số 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn. Trong kỳ, Singapore đứng đầu danh sách 94 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam với 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng số. Tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản, với số vốn lần lượt là 3,5 tỷ USD và 1,49 tỷ USD. Thành phố Hồ Chí Minh thu hút vốn lớn nhất với hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn; tiếp theo là Bình Dương gần 2,64 tỷ USD và Bắc Ninh gần 1,75 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/8, cả nước có hơn 35.500 dự án còn hiệu lực với tổng trị giá hơn 430 tỷ USD. Trong tám tháng đầu năm, các ngành (kể cả dầu thô) có vốn đầu tư nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 184,66 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, những biến động địa chính trị toàn cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) cũng đã tạo điều kiện để Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng. Thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam tăng 14,5% vào năm 2021 lên 57 tỷ USD sau hai năm. Mới đây, một hội nghị đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, để các chuyên gia trao đổi về các cơ hội xuất khẩu và đầu tư do EVFTA tạo ra thông qua phát triển bền vững.

Tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Đầu tư tăng lên từ Hà Lan (26%), Thụy Điển (63%) và Đan Mạch (240%). Tập đoàn Lego của Đan Mạch gần đây đã đầu tư vào dự án trị giá một tỷ USD tại tỉnh Bình Dương... Kết quả đạt được đã cho thấy những đóng góp tích cực của EVFTA đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng Việt Nam vẫn chưa tối ưu hóa một số khía cạnh của EVFTA, bao gồm việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và phúc lợi xã hội.