Theo TTXVN, chuyên gia Richard Heydarian cho rằng, có ba bài học chính mà các nước khác có thể rút ra từ Việt Nam. Bài học đầu tiên là chú trọng giáo dục cơ bản, đặc biệt là môn toán và khoa học. Theo chuyên gia, mặc dù là quốc gia đang phát triển nhưng Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới khi lần đầu tiên được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa vào Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Pisa) có uy tín. Điều đó có nghĩa là học sinh ở Việt Nam có thể "vượt trội" hơn về trình độ cơ bản đối với toán, khoa học và khả năng đọc hiểu.
Bài học thứ hai là sự kết hợp tối ưu giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Việt Nam đã trở thành một cường quốc cả về nông nghiệp và sản xuất. Nhờ các chính sách chủ động về thương mại, công nghiệp và nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các loại lương thực chính, cũng như các thiết bị điện tử có giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương.
Chuyên gia Heydarian chỉ ra bài học thứ ba từ Việt Nam là cách tiếp cận độc đáo với thế giới bên ngoài. Theo ông, một mặt, Việt Nam đã "toàn cầu hóa" và mở cửa với thế giới dưới chính sách cải cách kinh tế Đổi mới mà không làm ảnh hưởng các giá trị xã hội đích thực... Hơn nữa, Việt Nam đã hoàn tất các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trong đó có Mỹ, Canada, Australia, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo chuyên gia Heydarian, trên thực tế, từ một quốc gia từng phải vật lộn với nhiều thập niên chiến tranh tàn khốc trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, Việt Nam đã vươn mình trỗi dậy một cách mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Sự đi lên nhanh chóng của Việt Nam thực sự gây ấn tượng, đặc biệt chỉ trong khoảng hơn 10 năm, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ.
Trong khi đó, đề cập sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất giá trị của Việt Nam, ông Christopher J Marriott (C.Ma-ri-ốt), Tổng Giám đốc Savills Đông Nam Á cho biết, doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là nơi hấp dẫn để kinh doanh với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Việt Nam cũng là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Christopher J Marriott, Việt Nam có lợi thế lớn về năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao, được thúc đẩy bởi lực lượng lao động có trình độ cao. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam cũng rất hấp dẫn. Đây là điều sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.