Hoạt động xuất bản “khát” nhân lực chất lượng

“Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo khoa học quốc gia về Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản. (Ảnh: LỮ MAI)
Hội thảo khoa học quốc gia về Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản. (Ảnh: LỮ MAI)

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Hội thảo tập hợp gần 70 bài viết, bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... và chia thành ba phần:

Một số vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam - thực trạng và một số vấn đề đặt ra; định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: Việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng còn chậm, đặc biệt trong xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của hoạt động xuất bản; một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển, nhất là chiến lược phát triển nguồn nhân lực; ít cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản; nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sách in sang sách điện tử còn thiếu và yếu; một số cơ sở xuất bản sử dụng chưa thật sự chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, dẫn đến không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.

Trong tham luận về chủ đề đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, PGS, TS Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: Chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.

Số sách bình quân theo đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập; việc xuất bản điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Công tác rà soát, quy hoạch chưa kịp thời, quyết liệt; nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, công nghệ và vốn.

Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Đội ngũ nghiên cứu lý luận chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận, chính trị, nhất là trong tổng kết sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công tác phát hành còn chậm đổi mới.

Hoạt động xuất bản “khát” nhân lực chất lượng ảnh 2

Hội thảo khoa học quốc gia về Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản. (Ảnh: LỮ MAI)

Thông qua tham luận, giới chuyên môn đánh giá: Con số 4/450 trường đại học hiện nay ở Việt Nam có đào tạo về xuất bản, in và phát hành là rất ít ỏi, cùng với đó sức hút của ngành xuất bản có phần yếu hơn so với các ngành báo chí-truyền thông ở khía cạnh thu nhập và tính năng động cho nên số lượng tuyển sinh, đào tạo hằng năm còn thấp, chưa giải tỏa được “cơn khát” nhân lực của ngành xuất bản.

Đặc biệt, nội dung nhiều chương trình đào tạo ngành xuất bản chưa thật sự phù hợp. Các nội dung đào tạo cấp thiết trong bối cảnh hiện nay như công nghệ xuất bản, công nghệ truyền thông, quản trị mạng, kinh doanh xuất bản phẩm… đều là những vấn đề mới, khó, nhưng thời gian và các điều kiện đào tạo cần thiết như cơ sở vật chất-kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, nhất là các nhà khoa học đầu ngành của các cơ sở đào tạo còn thiếu.

Bên cạnh đó, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự ra đời của nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, cùng với sự thay đổi về thị hiếu và đòi hỏi ngày càng cao trong trải nghiệm của công chúng đối với các xuất bản phẩm đã tác động lớn đến hoạt động xuất bản, in và phát hành tại Việt Nam.

Theo PGS,TS Hà Huy Phượng, những hạn chế, yếu kém nêu trên là do hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và đầu tư tương xứng. Một số tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị.

Việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của không ít cơ sở, tổ chức, cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, còn chậm trong việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng.

Mô hình tổ chức, hoạt động, quy mô của các nhà xuất bản và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý còn chưa thật sự phù hợp.

Các bài viết, bài tham luận đã dự báo xu hướng phát triển, nhu cầu nhân lực chất lượng cao; đề xuất các giải pháp, kiến nghị. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới, nhất là khi ngành xuất bản đang phải vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.